Từ tháng 7/2023 đến nay giá dứa nguyên liệu luôn dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm chính vụ. Với giá bán này, 1 ha dứa sau khi trừ chi phí đem lại nguồn thu nhập cho người trồng trên dưới 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ khi giá dứa tăng cao, các doanh nghiệp chế biến dứa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, phải tạm dừng hoạt động do không còn khả năng bù lỗ.
Nông dân xã Hà Long (Hà Trung) thu hoạch dứa.
Người dân phấn khởi
Đang cắt những quả dứa ở vạt cuối cùng trên diện tích 1 ha được trồng rải vụ, chị Đinh Thị Huyền ở thôn Đại Sơn, xã Hà Long (Hà Trung) phấn khởi cho biết: “So với trồng chính vụ, năng suất dứa trái vụ chỉ đạt từ 35 tấn/ha, thấp hơn so với trồng chính vụ khoảng 15 tấn, nhưng giá bán lại cao hơn nhiều. Hiện, giá các thương lái đang mua tại ruộng dao động từ 13.000 – 15.000 đồng/kg. Nếu lấy bình quân giá 14.000 đồng/kg, 1 ha dứa trái vụ sau khi trừ chi phí đem lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi hơn 200 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với trồng chính vụ”.
Do trồng rải vụ giá cao, dễ bán nên từ năm 2021 đến nay hơn 7 ha đất dứa của gia đình được trồng rải vụ, thu hoạch quanh năm, không tập trung trồng chính vụ như trước đây. Chị Huyền cho biết thêm, hiện gia đình có 5 sào dứa sẽ thu hoạch bán vào dịp giáp tết, phục vụ người dân bày mâm ngũ quả.
Cùng ở xã Hà Long, gia đình ông Lê Minh Công (thôn Gia Miêu) có 2 ha đất trồng dứa, trong đó có 1 ha được trồng rải vụ. Ông Công cho biết, thực hiện trồng rải vụ, mỗi năm gia đình có từ 3 – 4 lần thu hoạch dứa, thay vì chỉ thu hoạch 1 lần dứa chính vụ như trước đây. Từ khi thực hiện trồng rải vụ, giá bán được nâng lên gần gấp đôi và không còn nơm nớp phải lo dứa ế ẩm. Hiện 1 ha dứa của gia đình cho lợi nhuận trên dưới 200 triệu đồng.
Nói về hiệu quả của việc trồng dứa rải vụ, Chủ tịch UBND xã Hà Long Nguyễn Hữu Thành cho biết: Ngoài ưu điểm dễ bán, giá dứa rải vụ thường cao gần gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với giá dứa chính vụ. Chính vì hiệu quả của trồng dứa rải vụ nên được sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, nhiều năm nay bà con trong xã không tập trung trồng 1 vụ dứa chính mà trồng rải vụ, đảm bảo có nhiều lần thu hoạch bán dứa trong năm. Tuy nhiên, do công chăm sóc, đầu tư dứa rải vụ nhiều hơn, nhất là công chăm sóc nên diện tích trồng dứa rải vụ mới chỉ chiếm 20%, trong tổng số 650 ha dứa của toàn xã. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích dứa rải vụ. Khi diện tích được nâng lên, cũng phải tính đến tìm doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm vì hiện tại dứa sau thu hoạch được tiêu thụ qua kênh thương lái.
Doanh nghiệp gặp khó
Việc giá dứa nguyên liệu đang được thương lái thu mua ở mức cao khiến người trồng dứa phấn khởi, nhưng lại khiến nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dứa đóng hộp gặp khó vì không thể bù lỗ do giá dứa tăng cao kỷ lục.
Công ty TNHH Tư Thành ở địa chỉ Lô 5, Khu Công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa) là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm củ, quả xuất khẩu. Sản phẩm của công ty hiện có mặt tại thị trường nhiều nước châu Âu và Trung Đông. Giám đốc Công ty Đồng Thị Tuyết Anh cho biết: Từ tháng 7/2023 đến nay giá dứa nguyên liệu tăng cao chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nên công ty tạm ngừng hoạt động, vì vậy sản lượng dứa xuất đi của công ty từ đầu năm đến nay mới đạt 1/3 kế hoạch.
Cũng trong tình trạng tạm ngừng hoạt động do giá dứa nguyên liệu tăng cao, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (xã Trung Thành, Nông Cống) Lê Trường Tùng cho biết: Năm 2023 công ty xây dựng kế hoạch chế biến 1.500 tấn dứa xuất khẩu. Tuy nhiên từ tháng 7/2023 giá dứa nguyên liệu tăng quá cao, công ty không thể tiếp cận nên chế biến dứa đóng hộp phải tạm dừng hoạt động.
Thanh Hóa là địa phương có diện tích trồng dứa lớn của cả nước với diện tích 3.700 ha. Trong đó có 1.300 ha thuộc các nông lâm trường và doanh nghiệp liên kết, còn lại là của các hộ dân. Dứa được trồng tập trung ở các huyện, thị xã: Hà Trung, Yên Định, Ngọc Lặc, Bỉm Sơn… Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chưa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng dứa, chủ yếu mua qua thương lái, nên khi giá tăng cao các doanh nghiệp không thể mua được dứa, buộc phải tạm dừng hoạt động. |
Thanh Hóa là địa phương có diện tích trồng dứa lớn của cả nước với diện tích 3.700 ha. Trong đó có 1.300 ha thuộc các nông lâm trường và doanh nghiệp liên kết, còn lại là của các hộ dân. Dứa được trồng tập trung ở các huyện, thị xã: Hà Trung, Yên Định, Ngọc Lặc, Bỉm Sơn… Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 nhà máy chế biến dứa hoạt động thuộc Công ty TNHH Tư Thành, Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Đồng Xanh và Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu Nông Sản Việt. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chưa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng dứa, chủ yếu mua qua thương lái, nên khi giá tăng cao các doanh nghiệp không thể mua được dứa, buộc phải tạm dừng hoạt động.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, các doanh nghiệp cần chủ động trong xây dựng và phát triển bền vững vùng nguyên liệu bằng cách ký hợp đồng liên kết với người trồng dứa trong việc bao tiêu sản phẩm dứa. Trên cơ sở đó, xây dựng khung giá hợp lý, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người trồng dứa. Các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường giám sát, quản lý vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Bài và ảnh: Minh Lý