Khu Công nghiệp (KCN) Lễ Môn là KCN đầu tiên trên địa bàn tỉnh, được đầu tư tương đối đồng bộ bằng nguồn vốn Nhà nước và đã lấp đầy 100%. Hiện nay, KCN Lễ Môn có 26 doanh nghiệp (DN) thuê đất sản xuất; trong đó có 7 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 19 DN có vốn đầu tư trong nước, tạo việc làm cho 25.000 lao động. Mặc dù hoạt động của các DN tương đối ổn định, tuy nhiên nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật của KCN này sau nhiều năm đầu tư đã xuống cấp nhưng chưa có nguồn kinh phí sửa chữa để đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong bối cảnh mới.
Diễn tập Phòng cháy chữa cháy tại KCN Lễ Môn.
Theo báo cáo của Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa, trong thời gian vận hành hạ tầng KCN, đơn vị đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Nhà nước về kinh doanh kết cấu hạ tầng. Theo đó, việc cung cấp các dịch vụ công cộng, tiện ích, bảo đảm các điều kiện về hạ tầng giao thông, cấp điện, nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự…, tạo môi trường thuận lợi để các DN yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng theo DN này, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Lễ Môn còn tồn tại nhiều bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng kỹ thuật KCN Lễ Môn đã được đầu tư nhiều năm nhưng thiếu nguồn kinh phí để đầu tư, sửa chữa lớn nên bị xuống cấp trầm trọng, nhất là hệ thống đường giao thông, rãnh thoát nước mưa… Những tồn tại này ảnh hưởng đến lưu thông vận chuyển hàng hóa, ngập cục bộ khi trời mưa to, gây bụi bẩn ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan chung của KCN.
Cùng với đó, hiện nay Nhà nước đã có nhiều thay đổi pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường và đặc biệt là những quy định mới về phòng cháy chữa cháy (PCCC), làm gia tăng chi phí tuân thủ của chủ đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, mức giá thu phí hạ tầng đang được áp dụng từ năm 2001 đến nay không thể đáp ứng yêu cầu quản lý.
Theo đại diện Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa, KCN Lễ Môn được thiết kế, xây dựng từ năm 2008 (trước khi có Luật PCCC năm 2001 ra đời) và lấp đầy năm 2009, trước khi các quy định mới về PCCC được ban hành nên hiện khá nhiều bất cập. Theo đó, theo Luật PCCC năm 2001, việc thành lập đội PCCC chuyên ngành của KCN do Ban Quản lý các Khu kinh tế, KCN thực hiện. Tuy nhiên, Luật PCCC năm 2013 lại quy định, trách nhiệm thành lập đội PCCC chuyên ngành thuộc về chủ đầu tư hạ tầng và kinh phí hoạt động được bố trí ngay trong giai đoạn lập dự toán quy hoạch, dự án đầu tư và thiết kế công trình.
Cùng với đó, việc thành lập đội PCCC và trang bị phương tiện, địa điểm, duy trì hoạt động của đội PCCC chuyên ngành cần nguồn kinh phí hàng năm khoảng 3 – 4 tỷ đồng; trong khi nguồn thu hiện nay của KCN phục vụ cho công tác này (được ban hành và áp dụng từ năm 2001 với đơn giá 0,1 USD/m2/năm) rất hạn chế, chỉ đáp ứng được nhu cầu bảo dưỡng hệ thống PCCC đã đầu tư theo quy hoạch và thẩm định, nghiệm thu trước đây. Điển hình như năm 2023, doanh thu phí dịch vụ hạ tầng KCN Lễ Môn chỉ đạt hơn 1,4 tỷ đồng. Địa điểm bố trí cho lực lượng PCCC chuyên ngành và phương tiện PCCC cũng không có.
Được biết, để đáp ứng các quy định về PCCC mới, từ năm 2022 đến nay, Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa đã xây dựng phương án “thành lập Đội PCCC chuyên ngành và trang bị phương tiện PCCC của KCN Lễ Môn” bằng nguồn kinh phí đóng góp của DN. DN cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp và công văn, tuy nhiên chưa đạt được sự thống nhất.
Để bảo đảm hoạt động quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Lễ Môn tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng, môi trường, PCCC, trên cơ sở các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công do Nhà nước giao cho DN quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại DN theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2027/QH14 ngày 21/6/2017, hiện Công ty Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa đã xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh đơn giá dịch vụ quản lý, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật KCN nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ổn định, lâu dài.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN, KCN Lễ Môn cũng như các KCN trên địa bàn TP Thanh Hóa đã góp phần quan trọng trong việc di chuyển các dự án quy mô vừa và nhỏ từ nội thành ra KCN nhằm bảo vệ môi trường, giải quyết tình trạng thiếu quỹ đất đầu tư cho các DN. Với KCN Lễ Môn, trong giai đoạn 2000-2013, để tạo điều kiện thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư vào KCN, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ về giá thuê đất. Các DN tại KCN Lễ Môn cũng đang được trả tiền thuê đất hàng năm, điều đó đã hỗ trợ trực tiếp cho chủ đầu tư, góp phần thu hút, lấp đầy KCN Lễ Môn phát triển như hiện nay.
Trong thời gian tới, cùng với sự đồng thuận của các nhà đầu tư thứ cấp trong đóng góp, hình thành nguồn vốn để đầu tư và tuân thủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật theo pháp luật, đặc biệt là các quy định về PCCC mới, ban sẽ đôn đốc nhà đầu tư hạ tầng khẩn trương thành lập và trang bị phương tiện cho đội PCCC chuyên ngành, nghiêm túc chấp hành các quy định về pháp luật PCCC và cứu nạn cứu hộ theo quy định; đồng thời tiến hành tu bổ, bảo trì các hạng mục công trình kỹ thuật xuống cấp, bảo đảm điều kiện cho các DN sản xuất, kinh doanh lâu dài, bền vững.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/kho-khan-trong-bao-dam-ha-tang-ky-thuat-tai-khu-cong-nghiep-le-mon-222071.htm