Không còn nơm nớp lo cảnh “được mùa mất giá”, việc tạo ra các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, không chỉ giúp tạo ra các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp giá trị cao; mà còn hình thành nên các “chợ” nông sản tấp nập ngay trên cánh đồng.
Nông dân xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nhập dưa leo ngay tại ruộng cho HTX địa phương.
Những “công nhân nông nghiệp”
Để tránh cái nắng như đổ lửa ngày hè, từ mờ sáng, bàTrịnh Thị Hà, thôn Long Linh Ngoại 1, xã Trường Xuân (Thọ Xuân) đã ra đồng thu hoạch dưa leo. Dưới đôi tay thô gầy nhưng thoăn thoắt của người đàn bà đã quen với ruộng vườn, những trái dưa còn đọng sương sớm, căng mẩy và no tròn, đã chóng đầy sọt nhựa. Phía trên bờ, người của HTX địa phương cũng đến thu mua dưa cho các hộ. Hoạt động cân, vận chuyển dưa lên xe khá nhịp nhàng, khẩn trương trên khắp cánh đồng.
Trong niềm vui được mùa, bà Hà phấn khởi khoe: “Nhờ liên kết sản xuất, dưa thu hoạch đến đâu được HTX thu mua đến đó, với giá ổn định theo hợp đồng đã ký kết. Những thời điểm giá dưa trên thị trường tăng, HTX cũng điều chỉnh giá thu mua tăng cho người dân. Phấn khởi nhất là sản phẩm sản xuất ra được bán ngay tại ruộng, chúng tôi không phải đưa ra chợ hay vất vả tìm nơi tiêu thụ”.
Khoảng 5 năm trở lại đây, cây dưa leo đã gắn bó với người dân xã Trường Xuân và trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông của địa phương. Vụ đông 2023 này, nông dân trong xã gieo trồng khoảng 60 ha dưa leo theo hướng tập trung, quy mô lớn. Để bảo đảm đầu ra ổn định, xã Trường Xuân đã chỉ đạo HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Dưa leo Thọ Xuân ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp theo phương châm dưa thu hoạch đến đâu, bao tiêu hết cho bà con đến đó. Như những năm trước, mỗi ha dưa đạt 30 – 40 tấn quả, doanh thu đạt từ 170 đến 200 triệu đồng/ha/vụ. Theo ông Nguyễn Quang Hà, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân: “Nhận thấy dưa leo có giá trị kinh tế cao hơn các cây màu, phù hợp với đặc điểm đồng đất nên xã có chủ trương phát triển diện tích lớn. Để sự hợp tác bền vững, xã cùng HTX liên tục tuyên truyền và giám sát người dân tuân thủ các quy trình sản xuất của phía công ty, hình thành nên phương thức canh tác hiện đại”.
Vốn quen với cách thức sản xuất “mạnh ai nấy làm”, “năm nắm ba mớ” manh mún, nhỏ lẻ, nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp của người dân xã Phú Lộc (Hậu Lộc) không cao. Việc thay đổi tập quán, tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với áp dụng khoa học – kỹ thuật, được xem là chìa khóa, thậm chí là lối thoát duy nhất của nông dân Phú Lộc. Theo đó, HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc đã làm khâu trung gian liên kết với các hộ dân để trồng rau cải bó xôi theo hướng sản xuất rau an toàn. Toàn bộ sản phẩm được Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) bao tiêu. Nhờ đó, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của xã đạt doanh thu gần 300 triệu đồng/ha.
Ông Hoàng Văn Toàn, Giám đốc HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc, cho biết: “Hiện HTX đang liên kết trồng 20 ha rau cải bó xôi với gần 200 hộ tham gia. HTX chịu trách nhiệm cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, quản lý vùng trồng và thu mua sản phẩm ngay tại ruộng nên người dân yên tâm sản xuất. Do cải bó xôi có thời gian sinh trưởng ngắn, mỗi năm người dân có thể trồng được 4 vụ, lợi nhuận thu được cho 1 ha đạt tới 240 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mỗi năm HTX còn ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ khoảng 4.000 đến 5.000 tấn nông sản các loại cho nông dân”.
“Chìa khóa” liên kết
Riêng sản xuất lúa gạo, hầu hết các địa phương đã thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm. Đến nay, diện tích liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm lúa gạo toàn tỉnh đạt gần 10.000 ha mỗi năm.
Theo ông Vương Huy Tưởng, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngọc (Quảng Xương): “Tham gia mô hình, bà con nông dân được cán bộ kỹ thuật của các công ty hướng dẫn quy trình sản xuất, từ khâu ngâm ủ, gieo cấy, thời vụ đến sử dụng liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Khi thu hoạch, công ty tổ chức thu mua thóc tươi ngay tại ruộng, bà con đỡ công vận chuyển, công phơi và bảo quản lúa như trước kia. Mô hình liên kết sản xuất lúa giống ở địa phương cũng đem lại lợi nhuận cao hơn 10% so với phương thức người dân tự sản xuất, tự tiêu thụ. Xã đang đấu mối với các doanh nghiệp để mở rộng thêm diện tích liên kết trồng lúa”.
Trong điều kiện thị trường liên tục biến động, các chuỗi cung ứng nông sản liên tục bị đứt gãy khắp nơi, càng cho thấy vai trò của các chuỗi liên kết bao tiêu nông sản là rất quan trọng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, đến nay, toàn tỉnh đã có 25 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trồng trọt với diện tích 5.520 ha. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã có mối liên kết sản xuất bền vững, lâu dài với các địa phương như: Viện Sinh học Nông nghiệp, Công ty Orion Vina, Công ty CP GVA, Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt đều liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm khoai tây tươi và khoai tây chế biến với diện tích gần 1.000 ha.
Các doanh nghiệp như: Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Thành An Ninh Bình, Công ty TNHH Á Châu Ninh Bình, HTX Tiêu thụ sản phẩm Toàn Năng Thái Bình, Công ty TNHH Anh Thôi, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm, HTX Tiêu thụ nông sản Nga Sơn Thanh Hóa… đang liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm 1.400 ha ớt, 600 ha ngô ngọt, đậu tương rau, 400 ha cải chân vịt, hành tỏi, hơn 1.200 ha bí, dưa chuột và rau các loại. Công ty TNHH MTV Sữa Lam Sơn, Trang trại bò sữa Như Thanh, Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất cũng liên kết với các địa phương để bao tiêu sản phẩm cho hơn 900 ha ngô dày làm thức ăn cho bò…
Ông Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp Việt Nam, cho biết: “Viện đã làm việc và triển khai thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm khoai tây với nông dân các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa với diện tích gần 200 ha. Bước vào vụ trồng khoai tây, viện tổ chức cung ứng giống vật tư và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân sản xuất, đồng thời ký kết bảo đảm giá cả thu mua sản phẩm khoai cho người dân khi thu hoạch theo mô hình chuỗi giá trị khép kín”.
Với việc phát triển liên kết và bao tiêu nông sản của nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành và duy trì được vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh từng bước tạo uy tín, thương hiệu nông sản, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm trồng trọt của Thanh Hóa cơ bản được tiêu thụ với giá cả tương đối ổn định, được thu mua tại chỗ, nhiều vụ gần đây không xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản.
Việc phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đã giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình đa dạng về chủng loại, hình thức, phương thức hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, như: Liên kết sản xuất ớt xuất khẩu tập trung tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc cho thu nhập 200 đến 230 triệu đồng/ha/vụ; liên kết sản xuất hành, tỏi tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/vụ; sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa leo tại các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc… cho thu nhập hơn 150 triệu/ha/vụ; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây rau màu, cây ngô ngọt tại các huyện Thọ Xuân, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa… đều cho thu nhập cao. |
Nhóm Phóng viên
Bài 2: Thay đổi tư duy.