Sự tham gia ngày càng nhiều phụ nữ trong phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) được các cấp hội LHPN trong tỉnh chú trọng, định hướng cho hội viên, phụ nữ tham gia. Việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển DLCĐ đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh.
Đội văn nghệ của CLB “Phụ nữ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc” bản Mạ, thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân) biểu diễn văn nghệ đón các đoàn khách.
Là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển DLCĐ, bản Mạ thuộc khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân nằm bên dòng sông Chu, thiên nhiên xanh mát quanh năm, những nếp nhà sàn bên sườn núi yên bình mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ngày càng hấp dẫn du khách đến khám phá và trải nghiệm. Bản có 57 hộ, với 246 nhân khẩu, nhiều năm nay, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn cách làm du lịch tại cộng đồng nên nhiều hội viên, phụ nữ cũng như người dân bản địa đã nâng cao nhận thức và tích cực đầu tư cơ sở vật chất, rèn luyện kỹ năng để làm DLCĐ nhằm nâng cao thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Thái.
Chị Hà Thị Tuyến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố Thanh Xuân, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc” chia sẻ: Du lịch bản Mạ ngày càng thu hút khách đến tham quan và lưu trú nhiều hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để 50 thành viên của CLB tiếp tục nỗ lực tham gia các lớp tập huấn của hội cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp tổ chức để làm du lịch hiệu quả hơn. Đặc biệt, trong CLB có 2 đội văn nghệ duy trì hoạt động thường xuyên, phục vụ các đoàn khách được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc trưng của dân tộc Thái… Qua đó, giúp du khách hiểu được văn hóa đặc trưng của người Thái, đồng thời lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và tăng nguồn thu nhập cho hội viên, phụ nữ và người dân.
Chị Lê Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thường Xuân cho biết: Chị em có vai trò rất lớn góp phần xây dựng DLCĐ bản Mạ, như: dọn vệ sinh môi trường, tạo không gian xanh – sạch – đẹp; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho du khách; tạo ra các sản phẩm lưu niệm từ thổ cẩm; tạo điểm nhấn trong trang phục truyền thống; biểu diễn văn nghệ; giao lưu, đón tiếp khách du lịch thân thiện; chủ động tham gia các chương trình tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng làm du lịch; quảng bá hình ảnh và văn hóa bản địa trên không gian mạng; nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cấp ủy, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tham gia phát triển DLCĐ về thủ tục pháp lý, vay vốn giải quyết việc làm; hội LHPN thị trấn hỗ trợ vay vốn tín chấp ngân hàng chính sách xã hội… Trong đó có 3 hộ gia đình hội viên, phụ nữ được vay 400 triệu đồng để làm mô hình du lịch homestay và trồng rau sạch phục vụ ẩm thực cho du khách. Lượng khách đến với bản Mạ ngày càng tăng, năm 2022 có 22.000 lượt khách, đầu năm 2023 đến nay bản Mạ đã thu hút được 56.000 lượt khách.
Về điểm du lịch sinh thái cộng đồng bản Ngàm, xã Sơn Điện (Quan Sơn), chúng tôi được chị Hà Thị Mơ, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Nhiều chị em bản Ngàm được tham gia tập huấn ứng xử văn minh, du lịch, kỹ năng giao tiếp và được giao lưu, học hỏi, mở mang thêm nhiều kiến thức để quảng bá hình ảnh và văn hóa bản địa. Sau chương trình tập huấn, chị em đã mạnh dạn, tự tin hơn, góp phần cùng địa phương phát triển loại hình DLCĐ với những ưu điểm riêng biệt, hấp dẫn.
Thanh Hóa là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển DLCĐ, bởi hệ sinh thái đa dạng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều điểm đến hấp dẫn như: Thác Mây (Thạch Thành); thôn Vịn, bản Mạ (Thường Xuân); Pù Luông (Bá Thước); bản Bút (Quan Hóa); làng Lúng (Như Thanh)… Đại dịch COVID-19 tạm ổn định là cơ hội phát triển du lịch, nhất là mô hình DLCĐ. Thực hiện chương trình phát triển du lịch của tỉnh, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức ra mắt mô hình và tập huấn, truyền thông ứng xử văn minh du lịch, kỹ năng giao tiếp gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, XDNTM cho hàng trăm cán bộ, hội viên, phụ nữ ở các khu du lịch Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn), TP Sầm Sơn, các huyện: Thạch Thành, Bá Thước, Thọ Xuân, Quan Hóa, Thường Xuân… Nhiều chị sau tập huấn, bồi dưỡng kiến thức đã bứt phá thành công, tạo ấn tượng tốt đẹp, thân thiện, mến khách với nhiều đoàn cũng như tour du lịch uy tín. Hội LHPN tỉnh còn lồng ghép với thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025”, các chương trình phát triển kinh tế để hỗ trợ hội viên, phụ nữ vùng có tiềm năng phát triển du lịch được vay vốn, định hướng khởi nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm phục vụ du khách, giúp hội viên tăng thêm thu nhập.
Bài và ảnh: Lê Hà