Vài năm trở lại đây, nhiều người trẻ đã quyết định từ bỏ công việc ở những thành phố lớn, trở về quê hương khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp. Với hành trang là sức trẻ, sáng tạo, tư duy tiến bộ, những người nông dân trẻ đang thổi một “làn gió mới” với những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường về cả mẫu mã và chất lượng.
Trương Thị Hiên Hiên cùng các thành viên nhóm sản xuất chăm sóc cây trồng trên cánh đồng xã Thành Minh (Thạch Thành).
Đối với nhiều người, giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 là khoảng thời gian khó khăn, kinh tế ngừng trệ thì với 2 chàng trai trẻ Lê Văn Sơn và Hà Việt Huy, xã Xuân Cao (Thường Xuân), đây chính là thời gian để hiện thực hóa ước mơ làm nông nghiệp của mình. Đưa chúng tôi đi thăm những giàn nho Hạ Đen trĩu quả, chín mọng, Hà Việt Huy tâm sự với chúng tôi về hành trình khởi nghiệp của mình: “Em và Sơn đều theo học chuyên ngành luật nhưng đều có đam mê với nông nghiệp. Trong một dịp đến Bắc Giang tham quan mô hình trồng nho Hạ Đen không hạt, chúng em đã nhận thấy đây là loại cây trồng có thời gian cho thu hoạch quả dài, hình thức đẹp, thích hợp với việc phát triển nông nghiệp theo hướng du lịch trải nghiệm nên đã nghiêm túc học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc giống cây này”.
Nâng niu những chùm nho đen căng mọng, thành quả sau bao khó khăn đã có lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc, Huy cho biết: “Tháng 4/2021, chúng em đã bắt đầu lắp đặt hệ thống nhà giàn, có mái che, hệ thống tưới bán tự động và trồng 500 cây con đầu tiên trên diện tích 6 sào. Vì đây là giống cây khá mới nên thời gian đầu, chúng em “ăn, ngủ cùng nho” để chăm sóc, tìm hiểu kỹ về đặc tính của cây, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng quả”. Với nỗ lực bền bỉ của 2 “ông chủ”, sau 7 tháng, vườn nho đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên; năng suất tăng theo tuổi thọ của cây, trung bình từ 2,5 tạ/sào trở lên. Từ những thành công bước đầu trong việc chăm sóc giống nho Hạ Đen, tháng 5/2022, Sơn và Huy tiếp tục vay vốn, đầu tư mở rộng diện tích trồng thêm 700 gốc nho Hạ Đen và 50 gốc nho Mẫu Đơn. Bên cạnh đó còn thành lập HTX phát triển nông nghiệp xanh Huy Sơn gồm 8 thành viên và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Có thể nói, tuổi trẻ “cõng” trên vai nhiều hoài bão, Lê Huy Sơn và Hà Việt Huy hiện đang nung nấu mục tiêu phát triển vườn nho trở thành điểm du lịch nông nghiệp trải nghiệm khám phá, thưởng thức nho tươi.
Khi các bạn đồng trang lứa đang ở giảng đường đại học hay lập nghiệp ở những thành phố lớn thì cô gái Trương Thị Hiên Hiên, 19 tuổi ở xã Thành Minh (Thạch Thành) lại đang “lăn lộn” với nông nghiệp ở quê nhà. Dáng người nhỏ “như kẹo”, đôi tay còn lấm bùn đất, Hiên Hiên kể cho chúng tôi nghe về hành trình làm nông nghiệp hữu cơ, đó không chỉ là đam mê, mà còn có cả trách nhiệm: “Bén duyên với nông nghiệp hữu cơ khi cùng mẹ tham gia mô hình sản xuất dưa hữu cơ thuộc dự án hệ thống đảm bảo cùng tham gia (GPS) mà Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh và UBND huyện Thạch Thành triển khai hỗ trợ. Nhóm sản xuất có 12 thành viên, em là trưởng nhóm – là người trẻ tuổi nhất. Thời gian đầu, thực tế sản xuất không dễ dàng như em nghĩ, bởi quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ khắt khe; quá trình sản xuất, sử dụng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ cây trồng sẽ sinh trưởng và phát triển chậm hơn so với các vật tư vô cơ; người dân quen với sản xuất truyền thống nên việc áp dụng quy trình sản xuất mới khá khó khăn”.
Gặp khó không nản, cô nông dân Hiên Hiên dành những ngày tháng thanh xuân để cùng các thành viên trong nhóm sản xuất vừa làm vừa rút kinh nghiệm, áp dụng khoa học – kỹ thuật, lứa dưa đầu tiên, nhóm sản xuất 8 sào, nhờ chăm sóc tốt nên sản lượng khoảng 7 tạ/sào. Toàn bộ sản phẩm được hệ thống Siêu thị Biggreen và Công ty Tân Lập Xanh tại Hà Nội đến ký kết hợp đồng tiêu thụ với giá bán trung bình 20 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt 14 triệu đồng/sào. Thành công trên đã tiếp thêm động lực cho các thành viên nhóm sản xuất cũng như đối với Hiên Hiên. Nhóm sản xuất rau màu hữu cơ Cẩm Bộ đã thu hút thêm 2 thành viên, nâng tổng nhóm lên 14 hộ và mở rộng diện tích sản xuất với các sản phẩm dưa lê, hành, tỏi, lúa… Những loại cây trồng được trồng, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ nên chất lượng bảo đảm, an toàn với người sử dụng, được nhiều cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá và khẳng định quy trình chuẩn. Nhìn cánh đồng mơn mởn các loại cây trồng, Hiên Hiên chia sẻ cho chúng tôi nghe về dự định của mình: “Em sẽ cùng bà con mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ, đưa nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác, xây dựng thương hiệu nông sản sạch cho quê hương”.
Với ý chí, khát vọng khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, đây chỉ là 3 trong rất nhiều người trẻ đang bền bỉ theo đuổi đam mê và thay đổi suy nghĩ của nhiều người về việc khởi nghiệp của lớp trẻ hiện nay. Biết rằng con đường hái quả ngọt không dễ dàng, nhưng hi vọng rằng, những người trẻ với tư duy hiện đại, không ngại khó, ngại khổ sẽ có cách tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
Bài và ảnh: Lê Ngọc