Có nhà máy lọc hóa dầu tầm cỡ khu vực. Có hệ thống kho, cảng nhập xăng dầu quy mô lớn đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên nhiều năm nay, người tiêu dùng tỉnh Thanh Hóa vẫn đang bị xếp vào danh mục địa bàn vùng 2 và phải mua xăng, dầu ở mức giá cao hơn từ 500 – 600 đồng/lít so với nhiều tỉnh, thành khác.
Người tiêu dùng ở Thanh Hóa đang phải mua xăng, dầu cao hơn 2% so với giá điều hành của Nhà nước. (Trong ảnh: Khách mua hàng tại cửa hàng bán lẻ của Anh Phát Petro). Ảnh: Minh Hằng
Người tiêu dùng… băn khoăn
Theo đà tăng của giá xăng, dầu thế giới, tại kỳ điều hành mới nhất (ngày 21-9) của Liên Bộ Tài chính – Công Thương, giá xăng E5 RON92 tăng 726 đồng, lên ngưỡng mới là 24.197 đồng/lít; xăng RON95-III là 25.748 đồng/lít, tăng 877 đồng/lít; dầu diesel tăng 539 đồng/lít, giá mới là 23.594 đồng/lít; dầu hỏa tăng 628 đồng/lít, lên 23.816 đồng/lít và dầu mazut là 17.847 đồng/kg, tăng 143 đồng.
Tại Thanh Hóa, giá xăng dầu được niêm yết đạt ngưỡng 24.670 đồng/lít đối với xăng E5 RON92, cao hơn 473 đồng/lít so với giá công bố; 26.250 đồng/lít đối với xăng RON95-III, cao hơn 502 đồng/lít so với giá công bố; 24.060 đồng/lít đối với dầu diesel, cao hơn 466 đồng/lít so với giá công bố…
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ có sự chêch lệch này là do Thanh Hóa đang được áp dụng mức giá của danh mục các tỉnh, thành phố địa bàn vùng 2 (địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh cao hơn định mức chi phí cấu thành trong giá cơ sở).
Anh Nguyễn Văn Linh, trú tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa thắc mắc: “Trước đây, Thanh Hóa phải nhập xăng, dầu tại các kho cảng ở Hải Phòng hay Nghệ An thì chi phí tăng lên là điều dĩ nhiên và người tiêu dùng chấp nhận điều đó. Nhưng đến nay, chúng tôi biết Thanh Hóa đã có nhà máy sản xuất xăng, dầu lớn, có nhiều kho xăng dầu mới được đầu tư mà người dân vẫn phải mua xăng dầu ở mức giá vùng 2 là không hợp lý”.
Với người tiêu dùng phục vụ phương tiện cá nhân đã là một thiệt thòi, người dân kinh doanh các dịch vụ tiêu thụ xăng dầu nhiều thì càng thắc mắc và ái ngại hơn, nhất là mỗi kỳ giá xăng được điều chỉnh tăng thêm. Anh Lê Văn Quang, trú tại thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc) là lái xe vận tải tự do cho biết: “Để đổ đầy bình dầu diesel ước chừng 80 lít. Với giá vùng 2 hiện cao hơn khoảng 500 đồng/lít, mỗi lần đổ xăng tôi bị tăng thêm từ 40.000 – 50.000 đồng. Với nghề vận tải như tôi, sự chênh lệnh giá như vậy là một áp lực, làm tăng thêm chi phí, công cước vận chuyển”.
Ở góc độ các doanh nghiệp (DN) có hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều nhiên liệu xăng dầu, chêch lệnh chi phí này là một con số không nhỏ trong cấu thành chi phí đầu vào. Điển hình như trong lĩnh vực vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm tới khoảng 25 – 30% tổng doanh thu. Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa Hồ Hữu Thiết cho biết: “Mai Linh hiện có 800 xe vận tải taxi và 12 xe chuyến từ 9 đến 40 chỗ. Chỉ tính riêng hệ thống kinh doanh vận tải taxi, trong năm 2022 tổng sản lượng xăng dầu tiêu thụ của công ty là hơn 1,44 triệu lít với giá trị thành tiền là gần 36 tỷ đồng. Do đó, con số chênh lệch chi phí xăng dầu so với mức giá ở vùng 1 là khoảng 720 triệu đồng. Trung bình những tháng đầu năm 2023 vừa qua, với lượng xăng tiêu thụ khoảng 157.000 lít/tháng thì số tiền chênh lệch vào khoảng 69 triệu đồng/tháng”.
Xếp Thanh Hóa vào vùng 2 có bất hợp lý?
Làm việc với Phòng Quản lý công sản giá cả (Sở Tài chính), được biết hiện nguyên tắc điều hành giá xăng dầu được thực hiện theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu.
Hệ thống đường ống kết nối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn của Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP.
Theo đó, theo khoản 2, Điều 38 của nghị định này thì “Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại DN, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại DN và không cao hơn giá điều hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố”.
Cùng với đó, nghị định cũng nêu rõ: “Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm”.
Tuy nhiên, về cơ sở để xác định tiêu chí địa bàn vùng 2, thì Sở Tài chính chưa nắm rõ ở quy định nào. Đơn vị này cho biết chỉ thực hiện quản lý giá đăng ký và giám sát giá bán các mặt hàng được niêm yết. Các yếu tố về phát sinh chi phí, theo quy định DN sẽ trực tiếp báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Tại Thanh Hóa, từ tháng 12-2018, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã bắt đầu vận hành thương mại. Hệ thống kho, cảng tại Nghi Sơn cũng đã được các DN như Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát- CTCP và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đầu tư ngay tại Nghi Sơn để có thể lấy trực tiếp xăng dầu từ đường ống nối với nhà máy.
Theo Sở Công Thương, với 1 DN đầu mối sản xuất (Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn) và 6 kho xăng dầu đang hoạt động với sức chứa 212.250m3 của các thương nhân đầu mối và thành viên của thương nhân đầu mối, việc tỉnh Thanh Hóa được xếp vào địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu là không hợp lý. Thanh Hóa hoàn toàn có đủ cơ sở để xem xét chuyển từ vùng 2 về vùng 1.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong hệ thống thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối, hàng năm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thực hiện công bố rộng rãi trên website của đơn vị và phương tiện thông tin đại chúng quyết định về việc ban hành danh mục địa bàn vùng 2. Danh sách này cũng thay đổi hàng năm tùy theo chi phí phát sinh thực tế. Điển hình như năm 2021, Petrolimex công bố danh mục vùng 2 gồm 44 tỉnh, thành phố và tất cả các đảo của Việt Nam; năm 2022 điều chỉnh tăng lên 48 tỉnh, thành phố và năm 2023, Petrolimex công bố danh mục địa bàn vùng 2 bao gồm 46 tỉnh, thành phố.
Doanh nghiệp lý giải
Mặc dù chưa thực sự rõ về tiêu chí danh mục vùng 2, tuy nhiên các DN cho rằng một nguyên nhân quan trọng là tỉnh Thanh Hóa có địa bàn rộng. Việc vận chuyển xăng dầu lên 11 huyện miền núi phát sinh chi phí ước tính khoảng 800 đồng – 1.000 đồng/lít so với TP Thanh Hóa và các huyện đồng bằng. Đa phần các tỉnh, thành phố ở địa bàn vùng 2 đều có yếu tố miền núi, hoặc xa kho, cảng như vậy. Tuy nhiên, thị phần tiêu thụ xăng dầu của các huyện miền núi thực tế rất thấp so với đồng bằng do ít cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu tiêu dùng dân sinh cũng ít hơn nhiều do mật độ dân số thấp hơn nhiều lần vùng đồng bằng, ven biển.
Cùng với đó, hệ thống phân phối xăng dầu tại các huyện miền núi hiện nay chủ yếu do Tập đoàn Thương mại miền núi Thanh Hóa chiếm tới 65- 70% thị phần với 28 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra, có 17 cửa hàng của Petrolimex Thanh Hóa. Như vậy, việc tất cả các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, các DN kinh doanh xăng dầu (có rất ít hoặc không kinh doanh xăng dầu tại địa bàn miền núi) đều báo cáo phát sinh chi phí tăng cao và áp mức giá vùng 2 cho toàn bộ 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa có thực sự khách quan?
Về việc đã có nhà máy lọc hóa dầu và hệ thống kho, cảng nhưng chưa tiết giảm được chi phí vận chuyển xăng dầu so với trước đây, các DN dẫn nguyên nhân do công nghệ của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được thiết kế và ưu tiên vận chuyển bằng đường thủy và đường ống, ít ưu tiên cho đường bộ.
Phó Giám đốc Petrolimex Thanh Hóa Mai Thanh cho biết: “Petrolimex hiện có 81 cửa hàng kinh doanh xăng dầu bán lẻ và 32 khách nhượng quyền thương mại. Hiện nay, xăng dầu của Petrolimex phục vụ thị trường Thanh Hóa phần lớn vẫn được lấy từ cảng của tập đoàn tại kho Nghi Hương – Bến Thủy (Nghệ An). Lượng nhập trực tiếp từ Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn chỉ chiếm từ 25 – 30%”.
“Trước đây, tại Thanh Hóa, Petrolimex có kho xăng dầu Đình Hương với quy mô 14.800m3. Tuy nhiên hiện kho này không có đầu nhập đường thủy (trước kia thuê của kho xăng dầu 661, Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần). Cùng với đó, kho xăng dầu Đình Hương được xây dựng từ những năm 1960. Để tránh bom đạn, địa thế kho được xây dựng vào hẻm núi, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn và cũng đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn nên đã ngừng hoạt động từ tháng 9-2021. Vì không có kho lưu trữ nên xăng dầu nhập đường bộ từ Nghi Sơn bằng xe bồn và bơm trực tiếp vào hệ thống các bể của cửa hàng bán lẻ. Việc nhập xăng dầu đường bộ bằng xe bồn chỉ vận chuyển được với số lượng ít nhưng quy trình, thủ tục hồ sơ tương đương những con tàu chở dầu lớn nên bị hạn chế về sản lượng”, Phó Giám đốc Petrolimex Thanh Hóa cho biết thêm.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu, dầu khí Thanh Hóa (PVOIL Thanh Hóa) Lê Bá Hòa thì cho biết: “Mỗi tháng, sản lượng xăng dầu của PVOIL tiêu thụ trên thị trường Thanh Hóa khoảng 30.000 lít; trong khi đó nguồn hàng công ty lấy từ Nghi Sơn được khoảng 18.000 – 20.000 lít bằng hệ thống đường ống vào kho PVOIL Nghi Sơn. Nguồn hàng còn lại vẫn phải nhập từ Cảng Hải Phòng và phải đi bằng tàu tải trọng nhỏ 1.000 DWT cập Cảng Lễ Môn.
Như vậy, tuy chưa cung ứng được 100% sản lượng, nhưng trên thực tế, các DN kinh doanh xăng dầu cũng đã lấy được từ 25 – 70% sản lượng xăng dầu tại nhà máy (riêng Tập đoàn Thương mại miền núi chỉ lấy được khoảng 5%); trong khi đó, giá xăng dầu bán lẻ tại Thanh Hóa nhiều năm nay vẫn bị chênh lệch so với vùng 1 sát ngưỡng tối đa 2% so với giá Nhà nước cho phép?
Đặc biệt, thương nhân đầu mối là Anh Phát Petro được cho là rất lợi thế khi có hệ thống đường ống vận chuyển xăng dầu tới 14 bể chứa với tổng dung tích 165.500m3. Được biết, tổng kho xăng dầu Anh Phát được đầu tư với mục tiêu tạo nguồn hành cho không chỉ Thanh Hóa mà còn cho vùng Bắc Trung bộ, toàn bộ các tỉnh phía Bắc với các trung tâm kinh tế lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội…
Nhiều ý kiến cho rằng, các DN kinh doanh xăng dầu cần sớm có các giải pháp tận dụng tối đa ưu thế của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, của hệ thống kho, cảng để tối ưu chi phí vận chuyển, giảm biên độ chênh lệnh giá xăng dầu vùng 2 tại Thanh Hóa. Trong tương lai, khi hệ thống kho xăng dầu đã được cấp chủ trương đầu tư mới (146.000m3) hoàn thành và đi vào hoạt động, cần sớm có lộ trình chuyển Thanh Hóa về vùng 1.
Ở thời điểm hiện hữu, để hài hòa với quyền lợi người tiêu dùng, các DN có thể nghiên cứu theo hướng quyết định giá bán thực tế áp dụng cho từng vùng trên địa bàn theo địa giới hành chính cấp huyện, xã. Thực tế, việc này có đủ cơ sở để thực hiện!.
Ngày 3-7-2023, Petrolimex công bố danh mục địa bàn vùng 2 bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, Cà Mau. Tuy nhiên, Petrolimex vẫn trao quyền cho giám đốc các công ty xăng dầu thành viên trực tiếp quyết định giá bán thực tế tại địa bàn tổ chức kinh doanh. Quyết định 397/PLX/QĐ-TGĐ ngày 3-7-2023, Petrolimex nêu rõ: “Chủ tịch, giám đốc các công ty xăng dầu thành viên của tập đoàn có tổ chức kinh doanh tại vùng 2 được quyền quyết định giá bán thực tế từng chủng loại xăng dầu bảo đảm bù đắp đủ chi phí hợp lý, hợp lệ, phù hợp với thị trường”… Thanh Hóa là một trong những địa phương tiêu thụ xăng, dầu với sản lượng lớn, chiếm khoảng 5% sản lượng tiêu thụ của cả nước. Theo con số ước tính chưa đầy đủ, nếu sản lượng xăng dầu tiêu thụ toàn tỉnh đạt khoảng 700.000 – 1.000.000m3/năm thì chi phí giá chênh lệch 2% của vùng 2 là khoảng 150 – 200 tỷ đồng. Con số thực tế có thể sẽ cao hơn. Với tổng mức vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD và 38 phân xưởng công nghệ hiện đại, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện là tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là tổ hợp hóa dầu chế biến sâu tầm cỡ thế giới và thiết kế phức tạp nhất trong lĩnh vực lọc hóa dầu tại châu Á. Công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm. Sau gần 5 năm đi vào vận hành, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đáp ứng khoảng 35 – 40% nhu cầu xăng dầu trong nước. Thanh Hóa hiện có 6 kho xăng dầu hiện hữu là: kho xăng dầu Đình Hương của Công ty Xăng dầu Thanh Hóa – Công ty TNHH; kho xăng dầu Nghi Sơn PVOIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam; kho đầu mối – ngoại quan Nghi Sơn của Tổng công ty Đầu tư và Xây dựng Anh Phát – CTCP; 2 kho xăng dầu tại Cảng Lễ Môn của Công ty TNHH Hoàng Sơn và Công ty CP Tập đoàn miền núi; kho xăng dầu Quảng Hưng của Công ty TNHH MTV Xăng dầu, dầu khí Thanh Hóa với tổng sức chứa 212.250m3. Để tăng cường cơ sở hạ tầng cung ứng xăng dầu, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư mới 5 kho xăng dầu bao gồm: kho xăng dầu Petrolimex Thanh Hóa của Công ty Xăng dầu Thanh Hóa – Công ty TNHH; kho xăng dầu Hải Hà – Nghi Sơn của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà; tổng kho xăng dầu Hưng Yên – Nghi Sơn của Công ty CP Xăng dầu Hưng Yên; kho xăng dầu Long Hưng – Nghi Sơn của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng; kho xăng dầu Hương Xuân của Công ty CP Cảng Thanh Hóa; trong đó kho xăng dầu Hương Xuân của Công ty CP Cảng Thanh Hóa tại Cảng Lễ Môn đã hoàn thành chuẩn bị đi vào hoạt động. |
Bài và ảnh: Minh Hằng