9 di sản thiên nhiên, văn hóa của nhân loại
UNESCO công nhận 9 Di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới tại Việt Nam, trong đó Hạ Long – Cát Bà nổi bật về vẻ đẹp thiên nhiên; Huế và Hội An hấp dẫn bởi di sản văn hóa; Tràng An tổng hòa giá trị thiên nhiên và văn hóa…
Ngày 16/9, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Như vậy, Việt Nam hiện có 3 Di sản thiên nhiên, 5 Di sản văn hóa, 1 Di sản hỗn hợp.
Theo Cục Di sản Văn hóa, vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận vì chứa đựng nhiều khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên, bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng những đặc điểm karst liên quan như mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với vách dựng đứng nhô lên trên biển cũng là một phần lý do.
Theo Cục Di sản Văn hóa, vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu. Nơi đây chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của trái đất.
Ngoài danh hiệu mới được trao tặng hôm 16/9, vịnh Hạ Long còn là Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận hai lần trước đó. Năm 1994, vịnh được công nhận là di sản thiên nhiên với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ và trở thành di sản thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Năm 2020, vịnh Hạ Long được công nhận lần hai là di sản thiên nhiên thế giới nhưng lần này theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất, địa mạo.
Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình hai lần được UNESCO vinh danh. Năm 2003, Phong Nha – Kẻ Bàng lần thứ nhất được vinh danh di sản theo tiêu chí giá trị ngoại hạng về địa chất và địa mạo. Tháng 7/2015, nơi này được vinh danh lần hai ở hai tiêu chí “là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa, phát triển của các hệ sinh thái trên cạn” và “sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học”.
Quần thể Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2014. Nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ở phía nam của Đồng bằng sông Hồng, quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 khu vực bảo tồn chính là: Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Khu rừng đặc dụng Hoa Lư. Tổng diện tích của quần thể là 4.000ha, chiếm toàn bộ khối đá vôi Tràng An và được bao quanh bởi vùng đệm rộng 8.000ha, gồm chủ yếu là các cánh đồng lúa.
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 8/2010. Theo Phó Chủ tịch UBND Hà Nội khi đó là bà Ngô Thị Thanh Hằng, Hoàng thành là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một nghìn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu.
Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; Các tầng di tích di vật phong phú.
Đô thị cổ Hội An nối với Biển Đông qua cửa Đại, giáp huyện Duy Xuyên và Điện Bàn, cách Đà Nẵng 20km, được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Hiện nay, đây là điểm tham quan hút khách bậc nhất tại tỉnh Quảng Nam.
Quần thể di tích Cố đô Huế, được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, trở thành di sản văn hóa thế giới năm 1993. Trải qua gần 2 thế kỷ và chứng kiến nhiều mốc sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, cổng Ngọ Môn vẫn tồn tại, được coi là một kiến trúc cổ xuất sắc.
UNESCO công nhận di tích Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 6/2011. Khu di tích Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999.
Gìn giữ di sản của người Việt
Quần thể Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2014. (Ảnh: Internet). |
Có thể nói, cùng với sự phát triển văn hóa, hệ thống di sản văn hóa được ghi danh thế giới đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản. Những di sản văn hóa phi vật thể thu hút số lượng lớn người tham dự và trải nghiệm (như nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hội Gióng, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử…) đã mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa còn kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác như kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động,…
Dường như mỗi di sản thế giới của người Việt là sự chưng cất, hòa quyện của khí trời, hồn đất, lòng dân và tâm thế, hào khí, khát vọng của một dân tộc “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” như đại thi hào, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã khẳng định cách nay gần 8 thế kỷ. Di sản văn hóa của người Việt đã được thử thách, sàng lọc trường tồn qua thời gian. Đến với các miền di sản, bạn bè thế giới có thể nhận diện được diện mạo, tinh khí, tâm hồn và chiều sâu lịch sử, vị thế văn hóa của dân tộc Việt và người Việt cả trong quá khứ, đương đại và tương lai.
Có được niềm kiêu hãnh ấy, hậu thế mãi mãi khắc cốt ghi tâm tổ tiên, ông cha ta từ đời này nối tiếp đời khác đã bền bỉ bảo vệ giang sơn, dệt thêu gấm vóc, neo giữ tâm hồn, cốt cách, bản sắc dân tộc Việt trước bao thử thách khắc nghiệt của thiên tai, địch họa và bao sóng gió của thời cuộc. Bản sắc đó hiện diện đậm đà ở những tinh hoa di sản văn hóa thế giới đã được kết tụ từ trí tuệ, tình cảm, niềm tin, lẽ sống và cả mồ hôi, nước mắt, xương máu của bao thế hệ người Việt trong hành trình dựng nước và giữ nước suốt hàng ngàn năm.
Không chỉ là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, di sản văn hóa còn là kho báu của quốc gia. Theo cách tính của UNESCO, mỗi thương hiệu di sản thế giới sẽ có giá trị khoảng 500 triệu USD/năm.
Dưới góc nhìn của ngành công nghiệp thương hiệu, sau khi di sản văn hóa và thiên nhiên của một quốc gia đã trở thành tài sản chung của nhân loại, đó là thứ tài sản vô hình nhưng chứa đựng rất nhiều giá trị hữu hình. Vì nó đã được gắn với một thương hiệu đẳng cấp quốc tế nên có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách năm châu. Số liệu thống kê của các địa phương thời gian qua cho thấy, các di sản thế giới sau khi được công nhận đều tăng nhanh số lượng du khách và năm sau tăng nhiều hơn năm trước. Con số thống kê mà Tổng cục Du lịch đưa ra là: Hơn 70% du khách nước ngoài mỗi khi đặt chân đến Việt Nam đã dành thời gian, tâm sức để tìm hiểu, khám phá những “vỉa quặng lấp lánh” chứa đựng trong mỗi di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Việt.
Như một lẽ “hữu xạ tự nhiên hương”, mỗi di sản Việt Nam sau khi được dán “nhãn hiệu thế giới” cũng sẽ trở thành một thỏi nam châm có sức hút mạnh mẽ đối với mọi người dân trong nước. Thế nên, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, giá trị thương hiệu di sản thế giới của người Việt đã, đang và sẽ ngày càng chiếm lĩnh một tỷ lệ quan trọng trong GDP của nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, điều đáng nói, dẫu sức sống, tiềm năng và lợi thế của di sản thế giới là rất to lớn, nhưng nếu chúng ta thiếu quan tâm đúng mức hoặc chưa thực sự coi trọng ứng xử văn hóa trong quá trình làm giàu từ di sản, chỉ quan tâm đến yếu tố kinh tế nhất thời, lợi ích trước mắt mà giá trị di sản mang lại hậu quả có thể rất khôn lường. Từng có bài học di sản thế giới của một số nước đã bị UNESCO tước danh hiệu vì khai thác quá đà, quá mức làm biến dạng, méo mó hình hài di sản gốc. Đó là những nguy cơ rất cần phòng tránh trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản thế giới ở Việt Nam.
Sẽ không có “phép màu” nào đáng quý hơn ngoài việc chúng ta phải kiên tâm, bền chí bảo tồn, giữ vững cho được những di sản thế giới của người Việt đã được thế giới vinh danh. Đó là một lối ứng xử thông minh nhất, một cách tri ân sâu sắc nhất. Và cũng là một trong những cách làm giàu khôn ngoan nhất đối với những di sản của tổ tiên, ông cha ta đã dày công sáng tạo, vun đắp, trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau. Bởi cái còn lại sau cùng của văn hóa chính là văn hóa. Những di sản cha ông để lại là tài sản vô giá, khẳng định thương hiệu di sản văn hóa riêng có, khác biệt của chúng ta với thế giới.
Ngoài 9 Di sản thiên nhiên, văn hoá thế giới kể trên, Việt Nam đã có 15 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, bao gồm: Nhã nhạc – Nhạc Cung đình Triều Nguyễn; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hát Ca trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Hát Xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Dặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật Bài Chòi ở Trung Bộ; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái, Nghệ thuật Xòe Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm. Và ba Di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn; Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Châu bản triều Nguyễn.
Nguồn: https://baophapluat.vn/khi-di-san-thanh-thuong-hieu-post491765.html