Sáng 1/12, Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) đã tổ chức hội nghị khảo sát, tư vấn, biên tập xây dựng bài thuyết minh; tập huấn, bồi dưỡng cho hướng dẫn viên du lịch tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh.
Toàn cảnh hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Phòng Văn hoá – Thông tin các huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc; Hội Sử học huyện Thọ Xuân.
Tại hội nghị, đại diện Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh đã trình bày kế hoạch xây dựng 3 tour du lịch gồm: Tour 1: Nhà trưng bày – Bia Vĩnh Lăng – Chính điện – Thái miếu – Lăng mộ vua Lê Thái tổ; Tour 2: Đền thờ Lê Lợi – Chính điện Lam Kinh – Thái miếu – Lăng mộ vua Lê Thái tổ – Lăng mộ vua Lê Thái tông – Lăng mộ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao – Lăng mộ vua Lê Thánh tông – Lăng mộ vua Lê Hiến tông: Tour 3: Đền thờ Lê Lợi – Chính điện – Thái miếu – Lăng mộ vua Lê Thái tổ – Lăng mộ vua Lê Thái tông – Lăng mộ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao – Lăng mộ vua Lê Thánh tông – Lăng mộ vua Lê Hiến tông – Lăng mộ vua Lê Túc tông – Núi Dầu – Đền thờ Trung túc vương Lê Lai.
Đại diện Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Thọ Xuân phát biểu thảo luận tại hội nghị.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng Di tích lịch sử Lam Kinh được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và dành nhiều nguồn lực đầu tư để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Trải qua gần 600 năm tồn tại, Di tích lịch sử Lam Kinh đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa. Theo đó, nội dung các bài thuyết minh cần chú trọng chuẩn hóa các thuật ngữ về di sản văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thục, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị.
Đối với các tour du lịch cần làm nổi bật giá trị của điểm đến. Mặt khác, để thu hút nhiều hơn nữa nguồn khách trong nước và quốc tế, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh cần có sự kết nối với các di tích phụ cận, làng nghề truyền thống và thu hút sự vào cuộc của cộng đồng địa phương. Cùng với đó, cần tổ chức các không gian văn hoá để du khách tìm hiểu, khám phá di sản văn hoá phi vật thể vùng đất Thọ Xuân nói riêng, xứ Thanh nói chung.
Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh Nguyễn Xuân Toán phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Toán, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu, đây là cơ sở để Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện nội dung các bài thuyết minh và xây dựng các tour du lịch phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng nhu cầu tham quan của khách du lịch.
Ngay sau hội nghị góp ý, thẩm định, hoàn thiện bài thuyết minh cho tour du lịch tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh đã tổ chức khai giảng lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hướng dẫn viên du lịch tại khu di tích.
Trước đó, các đại biểu đã tham quan, khảo sát một số điểm di tích trên địa bàn các huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc gồm: Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, đền Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần, đền thờ và lăng mộ Nguyễn Nhữ Lãm và tham quan làng nghề bánh gai Tứ Trụ.
Một số hình ảnh đoàn khảo sát các điểm đến:
Đoàn tham quan và dâng hương tại đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc).
Đền Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần (xã Thọ Diên, Thọ Xuân).
Đoàn tham quan đền thờ và lăng mộ Nguyễn Nhữ Lãm (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân).
Tham quan cơ sở sản xuất bánh gai tại làng nghề bánh gai Tứ Trụ (xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân).
Hoài Anh