Chiều 21/12, đoàn khảo sát nhóm 5 của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tham gia đoàn có đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, đại diện lãnh đạo Hội đồng lý luận Trung ương.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự buổi làm việc.
Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và một số ban, ngành cấp tỉnh.
Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Thủy trình bày báo cáo.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã trình bày Báo cáo về công tác xây dựng, chính đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Báo cáo nêu rõ: Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là: Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác này ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn; xác định rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và nội dung, nhiệm vụ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Các mặt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, bài bản, khoa học, hiệu quả và đạt kết quả toàn diện trên các mặt công tác, một số mặt có sự đổi mới, sáng tạo trong cách làm, đạt hiệu quả cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên; đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và trong Nhân dân được tăng cường; vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trong tỉnh đối với các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và các nhiệm vụ chính trị tại địa phương luôn được giữ vững, thể hiện rõ vai trò chủ thể trong lãnh đạo chính quyền và toàn xã hội.
Các thành viên đoàn khảo sát.
Từ thực tiễn 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Thanh Hóa rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn:
Một là, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: “Phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; đảm bảo quốc phòng – an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”.
Hai là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Ba là, phải quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bốn là, phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, chấp hành nghiêm quy chế làm việc.
Năm là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng chí Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương trao đổi ý kiến.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, tiếp tục làm cụ thể, sâu sắc hơn những kết quả đạt được trên 8 nội dung cơ bản, làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tại Thanh Hóa thời gian qua cũng như các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã làm sáng rõ thêm một số vấn đề mà các thành viên đoàn khảo sát quan tâm.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Với dân số hơn 3,7 triệu người, đứng thứ 3 cả nước, Thanh Hóa luôn coi đây là một thế mạnh, một nguồn lực to lớn cho sự phát triển của tỉnh. Do vậy, trong suốt những năm qua, tỉnh đã chú trọng việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy tối đa nguồn nội lực trong thực hiện các nhiệm vụ.
Đồng thời, tỉnh luôn quán triệt quan điểm: Mọi chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đây cũng chính là yếu tố giúp tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, từ đó quyết định thắng lợi của các nhiệm vụ.
Cùng với đó, tỉnh cũng luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc xứ Thanh, coi đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển bền vững của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính mà Thanh Hóa đã thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2021, nhất là trong giải quyết các vấn đề về công tác cán bộ sau sáp nhập; cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện khâu đột phá nhiệm kỳ 2020 – 2025 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nhất là về công tác cán bộ, trọng tâm là khâu đánh giá cán bộ và luân chuyển, điều động cán bộ; những đổi mới, sáng tạo trong công tác chính trị tư tưởng tại Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Về kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: Điều đầu tiên là phải nhận rõ được tiềm năng, lợi thế, những thời cơ thuận lợi cũng như các khó khăn thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương. Từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp cho từng thời điểm, từng năm và từng giai đoạn, đồng thời phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đối với tỉnh Thanh Hóa thời gian qua, đồng thời khẳng định: Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực cao hơn, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra, xây dựng Thanh Hóa ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đánh giá cao sự chuẩn bị của tỉnh Thanh Hóa cho buổi làm việc, đồng thời chúc mừng những kết quả quan trọng mà tỉnh đã đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Đồng chí nhấn mạnh: Từ thực tiễn phong phú, sinh động của Thanh Hóa, cũng như các ý kiến chia sẻ tại buổi làm việc sẽ là những tư liệu quý giá, góp phần giúp Trung ương làm sáng rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam. Qua buổi làm việc, đoàn khảo sát sẽ tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, từ đó tham mưu cho Bộ Chính trị tổng kết thực tiễn 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bổ sung và phát triển lý luận trong những giai đoạn tiếp theo.
Minh Hiếu