Để tạo đà đưa TP Thanh Hóa “chuyển mình” bước vào thời kỳ mới, với tầm vóc mới, xứng đáng vai trò, vị thế trung tâm của đô thị tỉnh lỵ, thì một giải pháp có tính “chìa khóa” là đẩy mạnh quá trình xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh (ĐTTM), văn minh, hiện đại.
Xây dựng đô thị thông minh là cơ sở để TP Thanh Hóa hướng đến phát triển bền vững và trở thành đô thị hiện đại, văn minh.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, với mạng internet và viễn thông phát triển mạnh mẽ, thì yêu cầu xây dựng và phát triển ĐTTM đang trở thành xu thế tất yếu. Xây dựng ĐTTM sẽ mang lại cơ hội thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT); đồng thời, mang lại hiệu quả cao hơn do có sự tích hợp và tương tác từ nhiều thành phần, sự thống nhất các nguồn lực của tỉnh, của địa phương để xây dựng các thành phần của ĐTTM, trong đó có chính quyền điện tử. Ngoài ra, phát triển ĐTTM một cách bền vững còn hướng tới tăng trưởng xanh, khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đặc biệt, còn góp phần khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế… Nói một cách dễ hiểu nhất thì ĐTTM là mô hình thành phố áp dụng công nghệ mới nhất, để nâng cao chất lượng thành phố về mọi mặt.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng ĐTTM, trong định hướng xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), đã xác định rõ: Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trở thành ĐTTM, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục – đào tạo, y tế, thể thao của tỉnh; một động lực phát triển của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Đồng thời, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển TP Thanh Hóa nhanh và bền vững, với các ngành dịch vụ, nông nghiệp giá trị gia tăng cao là nền tảng, công nghiệp công nghệ cao là đột phá; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Trên tinh thần đó, vài năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền TP Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT và viễn thông, truyền thông, đào tạo phục vụ ĐTTM. Đến nay, thành phố là đơn vị hành chính có hạ tầng kỹ thuật CNTT và viễn thông có chất lượng cao, đồng bộ và hiện đại, với nhiều tiện ích tiên tiến nhất so với các địa phương trong tỉnh. Từ đó, cơ bản đáp ứng các yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của chính quyền và nhu cầu thông tin, liên lạc, giải trí và hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của người dân, doanh nghiệp.
Chương trình xây dựng chính quyền điện tử được triển khai đồng bộ và có chất lượng. Công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ và tích cực. Điển hình như dịch vụ hành chính công, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ký số điện tử, phần mềm tương tác trực tuyến tiếp nhận phản ánh kiến nghị trực tuyến của người dân; phòng họp không giấy tờ E-CabinNet, phòng họp trực tuyến. Ngoài ra, hệ thống camera giám sát tại các tuyến phố và khu dân cư, các phần mềm quản lý y tế, giáo dục, dân cư được áp dụng và đang hoạt động, phát huy hiệu quả tích cực.
Nhìn chung, hoạt động ứng dụng CNTT của TP Thanh Hóa hiện đảm bảo tính đồng bộ, theo yêu cầu chung của tỉnh và đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính. Đồng thời, đảm bảo nhu cầu quản lý, điều hành và tác nghiệp trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các phần mềm dùng chung trên môi trường mạng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, đặc biệt là xây dựng và phát triển ĐTTM, trong thời gian tới, TP Thanh Hóa còn nhiều việc cần làm. Chẳng hạn như cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư để quy hoạch lại các hệ thống thông tin rời rạc; nâng cấp hoặc phát triển mới các ứng dụng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT, viễn thông; hình thành trung tâm tích hợp riêng cho thành phố, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn Big Data… Cùng với đó là nỗ lực khắc phục những bất cập, tồn tại liên quan, như một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế về kiến thức CNTT nói chung và an toàn, an ninh thông tin nói riêng; chưa khai thác và sử dụng hiệu quả CNTT phục vụ công việc chuyên môn. Ngoài ra, cần tháo gỡ các vướng mắc trong một số lĩnh vực như quản lý đất đai, quy hoạch, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, đấu thầu, đấu giá, tổ chức bộ máy và biên chế…
Để giải quyết các khó khăn, thách thức đối với TP Thanh Hóa trước mắt và lâu dài, thì đẩy nhanh quá trình xây dựng ĐTTM được xem là giải pháp quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển nhanh và bền vững. Hiện TP Thanh Hóa đang ở giai đoạn phát triển thứ 2 trong 4 giai đoạn phát triển của lộ trình chuyển đổi theo mô hình ĐTTM (4 giai đoạn lần lượt gồm: giai đoạn phản ứng, giai đoạn phát triển cơ bản, giai đoạn phát triển nâng cao và giai đoạn chủ động hoặc giai đoạn thành phố thông minh). Do đó, việc đặt mục tiêu đến năm 2030, TP Thanh Hóa cơ bản trở thành ĐTTM, văn minh, hiện đại, sẽ cần sự quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm rất cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, cũng như cần nguồn lực lớn để triển khai thực hiện.
Trước yêu cầu đó, thành phố đã và đang tích cực triển khai đề án Xây dựng TP Thanh Hóa trở thành ĐTTM giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, với mô hình ĐTTM theo các lĩnh vực (gồm 7 lĩnh vực: hạ tầng kỹ thuật CNTT và viễn thông phục vụ ĐTTM; quản lý điều hành; văn hóa – xã hội; an ninh trật tự; giao thông vận tải; tài nguyên môi trường; kinh tế). Đồng thời, đề ra các giải pháp cụ thể và tương ứng đối với từng lĩnh vực. Chẳng hạn, đối với hạ tầng CNTT và viễn thông, trước hết thành phố tập trung đầu tư hạ tầng kết nối mà trọng tâm là lắp đặt các điểm phát sóng wifi miễn phí trong thành phố, để phục vụ người dân và du khách. Hay đối với lĩnh vực quản lý, điều hành thành phố sẽ tập trung xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM, đóng vai trò điều hành, giám sát tập trung toàn bộ hoạt động của hệ thống chức năng ĐTTM; điều hành, cung cấp thông tin và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các vụ việc, tình huống phát sinh trên địa bàn…
Hoặc đối với lĩnh vực văn hóa – xã hội, thành phố ưu tiên ứng dụng CNTT phục vụ người dân. Cụ thể là cung cấp ứng dụng trên môi trường mạng, ứng dụng trên thiết bị di động cho phép người dân có thể phản ánh mọi vấn đề bất cập của thành phố một cách kịp thời. Qua đó, giúp chính quyền tiếp nhận, giải quyết các bất cập nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Đồng thời, cho phép người dân theo dõi, đánh giá kết quả xử lý phản ánh một cách công khai, minh bạch. Đặc biệt, kết quả xử lý công khai sẽ hỗ trợ thêm công cụ tương tác và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp phản ánh. Lợi ích mang lại đó là giúp chính quyền thành phố thay đổi phương thức tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước; giúp tiếp nhận và xử lý các bất cập một cách nhanh chóng. Còn đối với người dân, đó là được tương tác trực tiếp với cơ quan Nhà nước và đánh giá mức độ hài lòng về kết quả xử lý của cơ quan Nhà nước…
Có thể nói, hạt nhân trong xây dựng ĐTTM là lấy người dân làm trung tâm và việc ứng dụng CNTT phải góp phần cải thiện và nâng cao tính tiện ích cho người dân. Do đó, việc xây dựng chính quyền điện tử kết hợp với xây dựng ĐTTM là nhằm giúp cho cơ quan Nhà nước điều hành và quản trị xã hội tốt hơn, cũng chính là làm cho các mặt đời sống, an sinh xã hội được cải thiện tốt hơn. Nói cách khác, xây dựng ĐTTM không chỉ là triển khai các giải pháp về công nghệ; mà còn cần đồng bộ với phát triển kinh tế, văn hóa, con người… Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ mà TP Thanh Hóa đang nỗ lực theo đuổi, nhằm bắt kịp xu thế thời đại, cũng như tiệm cận mục tiêu xây dựng TP Thanh Hóa trở thành ĐTTM, văn minh, hiện đại trong tương lai gần.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/khang-dinh-vi-the-do-thi-tinh-ly-xu-thanh-bai-cuoi-do-thi-thong-minh-dong-luc-cho-phat-trien-ben-vung-233466.htm