Kể từ khi du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đến nay, tỉnh Thanh Hóa luôn nằm trong tốp đầu lượng khách du lịch của cả nước. Sự tăng trưởng về thứ hạng của ngành du lịch Thanh Hóa đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của “ngành công nghiệp không khói” trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa xứ Thanh. Báo Thanh Hóa Hằng tháng đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa về vấn đề này.
PV: Trong thời gian qua, Thanh Hóa không ngừng làm mới và hoàn thiện các dòng sản phẩm chủ lực gồm du lịch biển; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng, xin ông cho biết những con số cụ thể khẳng định vị thế du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch Việt Nam?
Ông Phạm Nguyên Hồng: Là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, Thanh Hóa đang lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, với 1.535 di tích và danh thắng. Bên cạnh đó là nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo; ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn… Với hệ thống giao thông đồng bộ; cùng với tiềm năng có cả ba vùng sinh thái là vùng núi, trung du, đồng bằng và vùng ven biển, cùng với đó là cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư bài bản và chất lượng. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để Thanh Hóa khai thác, phát huy giá trị, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch.
Kỳ nghỉ lễ đầu tiên sau khi du lịch chính thức mở cửa trở lại (30-4 và 1-5-2022) Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương đón nhiều khách du lịch nhất cả nước, đạt 898.000 lượt khách, tổng thu du lịch khoảng 1.960 tỷ đồng. Nhờ đó, năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 5 về lượt khách và đứng thứ 4 về tổng thu du lịch so với cả nước, với 11.038.000 lượt khách và tổng thu du lịch đạt 20.060 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023: Thanh Hóa đứng thứ 4 cả nước về lượt khách (8.420.000 lượt khách) và đạt 15.247 tỷ đồng tổng thu du lịch.
PV: Kết quả ấy là nhờ một phần ở việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông du lịch gắn với hình ảnh Đại sứ Du lịch Thanh Hóa – Hoa hậu Việt Nam năm 2020 Đỗ Thị Hà trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng số… thu hút sự quan tâm, theo dõi của khách du lịch trong nước và quốc tế. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?.
Ông Phạm Nguyên Hồng: Thời gian qua, ngành du lịch Thanh Hóa đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông du lịch gắn với hình ảnh Đại sứ Du lịch Thanh Hóa – Hoa hậu Việt Nam năm 2020 Đỗ Thị Hà trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên nền tảng số.
Cụ thể, ngay sau khi tổ chức thành công sự kiện Lễ công bố Đại sứ Du lịch Thanh Hóa Hoa hậu Việt Nam năm 2020 Đỗ Thị Hà vào tháng 3-2023, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Thanh Hóa trong và ngoài tỉnh gắn với hình ảnh Đại sứ Du lịch Thanh Hóa như: Tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch: Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh năm 2023 (tháng 3-2023), Tham gia gian hàng giới thiệu du lịch Thanh Hóa tại Lễ hội Văn hóa – Ẩm thực Việt Nam (tháng 4-2023 tại tỉnh Quảng Trị), phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bên lề Hội chợ VITM – Hà Nội (tháng 4-2023), tổ chức Lễ công bố tuyến du lịch kết nối các huyện: Yên Định, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân (tháng 5-2023), tổ chức đón đoàn Famtrip khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đến khảo sát, đánh giá sản phẩm du lịch, kết nối tour tuyến du lịch tại Thanh Hóa (tháng 8-2023), tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ (tháng 8-2023 tại TP Hồ Chí Minh). Thông qua các sự kiện này đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Hóa trở thành “điểm đến an toàn, hấp dẫn” đến với khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngoài ra, ngành văn hóa còn phối hợp với các đơn vị truyền thông ghi hình và sản xuất các clip, trailer, hình ảnh của Đại sứ Du lịch Thanh Hóa – Hoa hậu Việt Nam năm 2020 Đỗ Thị Hà trải nghiệm, giới thiệu về con người, văn hóa, du lịch xứ Thanh để quảng cáo trên pano, màn hình led tại các cảng hàng không lớn trong nước (như sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất), trên các nền tảng số (tiktok, facebook, zalo) và trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và các tỉnh, thành phố.
PV: Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 615 nghìn lượt khách quốc tế. Vậy những giải pháp trọng tâm nào đã, đang được triển khai mạnh mẽ, thưa ông?
Ông Phạm Nguyên Hồng: Việc triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng và khai thác đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng và đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch với các trọng điểm du lịch cả nước luôn được ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa quan tâm chú trọng. Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng tôi tiếp tục tổ chức các sự kiện kích cầu tại các thị trường du lịch trọng điểm. Qua đó, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh; đồng thời liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch để đưa khách du lịch từ các thị trường trên về Thanh Hóa.
Đồng thời, đẩy mạnh chiến dịch truyền thông với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa, điểm đến an toàn, hấp dẫn” trên các kênh truyền hình Trung ương, địa phương, trên website, nền tảng số và tại các cảng hàng không trọng điểm trên cả nước.
Tăng cường liên kết với các địa phương trong công tác thương hiệu – quảng bá tiếp thị, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm; tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin giữa Thanh Hóa với các địa phương trên cả nước về các chương trình, kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng của các địa phương để cùng tham gia, quảng bá du lịch. Phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thực hiện các sự kiện xúc tiến, ngoại giao du lịch trong nước và quốc tế. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng các gói kích cầu du lịch hấp dẫn với phương châm “tăng tối đa chất lượng, giảm tối đa giá thành”.
PV: Ngay khi kết thúc hoạt động du lịch hè cao điểm, những tháng cuối năm Thanh Hóa sẽ tập trung kích cầu du lịch bằng những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch điểm nhấn nào nhằm thu hút khách, thưa ông?
Ông Phạm Nguyên Hồng: Ngay sau khi kết thúc mùa cao điểm du lịch biển, những tháng cuối năm 2023, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch sôi động, hấp dẫn được tổ chức tại nhiều địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Có thể điểm qua các sự kiện tiêu biểu như: Lễ hội Lam Kinh (tháng 9-2023 tại huyện Thọ Xuân và huyện Ngọc Lặc), Liên hoan đặc sản xứ Thanh (dự kiến tháng 10-2023 tại TP Sầm Sơn), Giải Marathon băng rừng Việt Nam (tháng 10-2023 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông), Lễ hội văn hóa Hương sắc vùng cao (dự kiến tháng 11-2023 tại huyện Thường Xuân), Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam – Đài Loan lần thứ 10 (tháng 11-2023 tại TP Thanh Hóa)… Ngoài ra, còn có nhiều sự kiện đón chào năm mới như Chương trình Chào năm mới – 2024 (Countdown) tổ chức tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa; Gala tất niên – Countdown chào năm mới 2024 tại Khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn…
PV: Thanh Hóa đang dần hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch bốn mùa, vậy tỉnh và ngành có những giải pháp gì nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong “mùa thấp điểm” những tháng cuối năm?
Ông Phạm Nguyên Hồng: Những năm gần đây, sự khác biệt giữa mùa du lịch cao điểm và mùa du lịch thấp điểm đã không còn rõ nét, do nhu cầu du lịch của khách đã có sự thay đổi. Mùa thấp điểm thị trường khách nội địa tại các khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa nhưng là cao điểm của khách du lịch nói chung và khách du lịch quốc tế nói riêng tại khu du lịch sinh thái Pù Luông (Bá Thước), bản Bút (Quan Hóa), Trí Nang (Lang Chánh); Bản Mạ (Thường Xuân)… Tuy nhiên, hiện nay tại các khu du lịch trên còn thiếu các khu vui chơi, các trung tâm mua sắm, các sản phẩm du lịch cao cấp khác, nên doanh thu từ du lịch tại các tháng cuối năm thường thấp hơn so với du lịch biển.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
CHI ANH (thực hiện)