Trận mưa dông kèm theo lốc xoáy đêm ngày 2 và sáng ngày 3/5 đã ảnh hưởng đến diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Định. Ước tính có khoảng 8 đến 10% tổng diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chủ yếu là cây lúa và cây ngô đang trong thời kỳ chuẩn bị thu hoạch bị đổ, gãy, ngập nước…
Đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đoàn công tác, lãnh đạo xã Định Tiến kiểm tra thực tế và động viên bà con khắc phục ảnh hưởng trên cây lúa
Ngay sáng 4/5, lãnh đạo huyện Yên Định và 2 đoàn công tác của huyện đã trực tiếp kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình, chỉ đạo công tác khắc phục do mưa dông, lốc xoáy gây ra tại các xã vùng Định và vùng Yên.
Đoàn kiểm tra của huyện trực tiếp xuống đồng, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện các giải pháp giúp dân khắc phục ảnh hưởng mưa dông, lốc xoáy
Qua kiểm tra thực tế tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đặc biệt là các vùng trọng điểm trồng cây lúa, hoa màu, gồm các xã: Định Hòa, Định Tiến, Định Tân, Định Hưng, Định Tăng, Định Liên, Yên Thịnh… đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng. Đối với cây lúa bị đổ, dập, gãy, ngập nước… thì tuyên truyền, vận động, động viên người dân sớm ra đồng tổ chức bó lúa thành khóm, tiêu kiệt nước trên bề mặt ruộng không để bông bị ngập; thu hoạch nhanh đối với diện tích lúa chín khoảng 80% trở lên. Đối với cây ngô sắp thu hoạch, kiểm tra cụ thể, khẩn trương thu hoạch diện tích bị ảnh hưởng do đổ, gãy, liên hệ với cơ sở chăn nuôi thu mua cho nông dân. Các loại rau màu khác tiêu kiệt nước nếu bị ngập, tích cực chăm sóc phục hồi cây. Về thủy lợi, huyện đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Nam Sông Mã, HTX dịch vụ nông nghiệp tháo kênh tiêu nước, nhất là vùng ngập lụt phục hồi sau sản xuất; các trạm bơm tiêu úng khẩn trương thoát nước ra sông cầu Chày, sông Mã để cây không bị ngập úng…
Nông dân vùng trọng điểm lúa ở các xã Định Hòa, Định Tiến, Định Tân, Định Hưng và các xã bị ảnh hưởng khẩn trương bó lúa thành khóm, tháo nước tiêu úng…
Ngay sáng 4/5, các xã, thị trấn bị ảnh hưởng đã huy động nhân lực tại chỗ, vận động bà con khắc phục hậu quả nhanh nhất, kịp thời nhất do mưa dông, lốc xoáy gây ra để giảm thiệt hại về năng suất và sản lượng, sớm phục hồi sản xuất, chăm sóc cây trồng, ổn định cuộc sống.
Được biết, ngay trong ngày 3/5, UBND huyện đã ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tập trung khắc phục hậu quả do dông lốc, mưa lớn gây ra. Theo đó, các đồng chí Ủy ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách và thành viên ủy ban đã trực tiếp về cơ sở chỉ đạo các xã, thị trấn khắc phục và báo cáo nhanh những khó khăn để huyện có chỉ đạo sát, kịp thời; tăng cường kiểm tra thăm đồng, hướng dẫn bà con các giải pháp phòng, chống, chăm sóc cây trồng sau mưa lớn, dông lốc… nên giảm được thiệt hại, rủi ro đáng kể cho cây trồng vụ chiêm xuân.
Lê Hà