Khám phá di sản văn hóa thông qua hoạt động trải nghiệm được coi là giải pháp lợi cả đôi đường, bởi vừa giúp cho việc phát huy giá trị di sản, vừa bồi đắp tình cảm, niềm tự hào và khơi dậy ý thức trân trọng gìn giữ, bảo vệ di sản. Do đó, những năm qua, các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt, chủ động trong việc tạo ra nhiều hoạt động trải nghiệm tại các di sản.
Học sinh tham quan trải nghiệm tại Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc).
Đến với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), nhiều du khách tham quan đã hết sức ngạc nhiên khi thấy những tốp học sinh cầm các dụng cụ tỉ mỉ bới đất. Thi thoảng, lại thấy các em reo lên khi đào được một hiện vật nào đó. Đó chính là trải nghiệm đào cổ vật trong hố khảo cổ giả định – một phần của chương trình “Em làm nhà khảo cổ học” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ triển khai. Tham gia chương trình này, sau khi kết thúc phần đào cổ vật trong hố giả định, các em sẽ tiếp tục tham gia vào các cuộc thi, được các nhà khoa học hướng dẫn cách mô tả, vẽ hiện vật, hoặc tìm hiểu về lịch sử của hiện vật đó… Không chỉ vậy, các em còn được khám phá Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và các di sản vùng phụ cận xung quanh Thành Nhà Hồ.
Em Hồng Anh, học sinh Trường THCS Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) cho hay: “Em rất thích thú khi được đi cùng các bạn và thầy cô giáo đến Thành Nhà Hồ. Bởi đến đây em được trải nghiệm rất nhiều hoạt động có ý nghĩa, nhất là chương trình “Em làm nhà khảo cổ học”. Thông qua chương trình chúng em được trải nghiệm nhiều hoạt động như: tham quan, tìm hiểu Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; thực hành một số kỹ năng khai quật khảo cổ tại di tích như: cách thức mở hố khai quật, làm sạch mặt bằng di tích, làm quen với các dụng cụ khai quật như cuốc, xẻng, thước… Đây là chương trình giáo dục di sản rất bổ ích và lý thú, giúp chúng em được mở mang kiến thức, có thêm nhiều hiểu biết về di sản, cũng như lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông”.
Ông Trịnh Hữu Anh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: Thời gian qua, trung tâm luôn chú trọng phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc để xây dựng nhiều chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh, thông qua những hoạt động trải nghiệm sinh động, thú vị, như: “Em làm nhà khảo cổ học”, “Em làm thuyết minh viên”, cuộc thi “Di sản Thành Nhà Hồ và tôi”, “Rung chuông vàng”… Với việc tạo ra những chương trình chơi mà học, học mà chơi, học sinh được chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm. Từ đó, góp phần rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm; rèn luyện các phẩm chất kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ. Đồng thời, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận và hiểu thêm di sản, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho các em.
Với phương châm lấy công chúng làm trung tâm, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan dưới nhiều hình thức, như: hướng dẫn tham quan tổng quát, tham quan chuyên sâu, chuyên đề hoặc hướng dẫn cho khách tham quan tự do, tự khám phá, tự trải nghiệm… Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị, ngành giáo dục (nhất là ở vùng sâu, vùng xa) tổ chức các buổi ngoại khóa, triển lãm lưu động để quảng bá, giới thiệu hệ thống các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng cho các em học sinh trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu. Để dễ hình dung, ngoài việc thuyết minh trực tiếp, bảo tàng đã bổ sung hoạt động xem phim tư liệu, hay tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giúp học sinh có thêm nhiều hiểu biết các tư liệu, hiện vật lịch sử.
Mới đây nhất, Bảo tàng tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, hấp dẫn trong trong khuôn khổ chương trình “Trại hè Việt Nam năm 2023”. Đây là chương trình do Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan tỉnh Thanh Hóa cùng với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức. 120 thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, trở về từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã được tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và giao lưu trò chơi, trò diễn dân gian. Các em còn được hướng dẫn viên của Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật, tư liệu, hình ảnh theo trình tự lịch sử, từ khi xuất hiện cuộc sống sơ khai của con người trên đất Thanh Hóa cho đến ngày nay. Các thanh niên Việt kiều cũng được tìm hiểu các cổ vật đặc sắc, mang giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng của vùng đất Thanh Hóa như: trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa; đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa; đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa… Thông qua các hoạt động trải nghiệm này đã giúp thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có thêm nhiều hiểu biết về các hiện vật cũng như hệ thống di sản văn hóa, lịch sử của tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các hoạt động trải nghiệm tại di sản thời gian qua cũng chưa thật sự hấp dẫn, cuốn hút du khách; các chuyến tham quan di tích, bảo tàng của học sinh nhiều khi còn mang tính hình thức, chưa định hình ý thức học tập rõ ràng. Công tác thuyết minh tại các di tích, bảo tàng cho hàng chục, hàng trăm học sinh cùng một lúc nên ít có sự tương tác, kém hấp dẫn, hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, việc học tập nội khóa gần như phủ kín thời gian của các em nên không dễ để thường xuyên tổ chức các buổi tham quan tìm hiểu di sản.
Để gia tăng trải nghiệm cho du khách tại các di sản văn hóa, cần sự chung tay từ nhiều phía và cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức, cách thức tiếp cận. Ngành giáo dục cũng cần có kế hoạch, có sự liên kết chặt chẽ với ban quản lý các di tích, các bảo tàng để xác định rõ chủ đề dạy, học, tham quan và đa dạng hóa các hình thức học tập cho học sinh.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt