Một trong những vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm đã được Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Tài chính là: Việc quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư còn nhiều hạn chế, nhất là trong xử lý tài sản công là các cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập thôn, xã và các đơn vị sự nghiệp công lập; trang thiết bị y tế, thiết bị giáo dục nghề nghiệp.
Toàn cảnh phiên chất vấn Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa (Ảnh Minh Hiếu).
Trả lời phiên chất vấn chiều ngày 9/7, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ cho biết: Sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2019-2021 và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, toàn tỉnh có 537 cơ sở nhà, đất dôi dư. Trong đó, có 457 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập ĐVHC cấp xã, cấp thôn và 80 cơ sở nhà, đất dôi dư do sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay, số cơ sở dôi dư sau sáp nhập đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án là 455/537 cơ sở. Trong đó, các hình thức sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất được phê duyệt gồm: Điều chuyển 83 cơ sở; thu hồi 17 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 193 cơ sở; chuyển về địa phương quản lý, xử lý 142 cơ sở; tạm giữ lại 20 cơ sở. Số cơ sở nhà đất chưa được phê duyệt phương án là 82/537 cơ sở, là các trạm y tế dôi dư sau sáp nhập ĐVHC trên địa bàn các huyện, thị, thành phố.
Đến nay, đã hoàn thành phê duyệt chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý 142 cơ sở theo phương án được duyệt; điều chuyển 5/83 cơ sở; thu hồi 1/17 cơ sở (nhà văn hóa); phê duyệt quyết định bán, phương án bán đấu giá tài sản đối với 1 cơ sở là công sở UBND thị trấn Thọ Xuân cũ.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ trả lời chất vấn (Ảnh Minh Hiếu).
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Đỗ Ngọc Duy, Trịnh Thị Hoa, Đinh Ngọc Thúy, Hoàng Anh Tuấn… về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng chậm sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà đất dôi dư sau sáp nhập, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ cho biết: Việc chậm sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà đất dôi có nhiều nguyên nhân. Về khách quan, Thanh Hóa là địa phương có số lượng cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại rất lớn, địa bàn rộng, nhiều cơ sở nhà, đất còn thiếu cơ sở pháp lý nên rất khó thực hiện. Quy định của pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập; quy định chưa cụ thể, rõ ràng. Giai đoạn 2019-2022, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến công tác triển khai kiểm tra hiện trạng cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh để lập, thẩm định và phê duyệt phương án. Vì vậy, việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất không đạt được tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Đại biểu Đỗ Ngọc Duy chất vấn Giám đốc Sở Tài chính (Ảnh Minh Hiếu).
Ngoài nguyên nhân khách quan, Giám đốc Sở Tài chính cũng đã nhấn mạnh đến nguyên nhân chủ quan từ sự thiếu quyết liệt, thiếu chủ động của các huyện, thị xã, thành phố trong triển khai thực hiện Kế hoạch số 69/KH-UBND của UBND tỉnh. Việc sắp xếp lại xử lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị phụ thuộc vào tiến độ rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan. Tuy nhiên, công tác rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan khác đang còn chậm. Việc theo dõi tài sản công trải qua nhiều năm không được chú trọng, khi thực hiện rà soát, lập phương án mới phát hiện nhiều thiếu sót, đặc biệt là hồ sơ pháp lý nên quá trình triển khai thực hiện còn lúng túng, chậm, không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Đại biểu Trịnh Thị Hoa chất vấn Giám đốc Sở Tài chính (Ảnh Minh Hiếu).
Để xảy ra tình trạng chậm triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập, trách nhiệm chính do các địa phương, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản chậm rà soát tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, hoàn chỉnh hồ sơ để thực hiện sắp xếp, xử lý; chậm phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở thực hiện phương án “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Sở Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất tỉnh cũng nhận trách nhiệm khi chưa kịp thời đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai và báo cáo kết quả thực hiện.
Để khắc phục tình trạng chậm sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà đất dôi dư sau sáp nhập, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ cho rằng, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, thủ trưởng các đơn vị phải xác định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, đơn vị. Trên cơ sở phương án đang trình hoặc đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát lại các tài sản công dôi dư ở cấp xã, cấp huyện, đánh giá kỹ tính khả thi của việc xử lý từng tài sản công theo phương án được duyệt hoặc đang trình duyệt. Đối với các tài sản công đã đầy đủ các điều kiện thực hiện theo phương án được duyệt thì tập trung chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể cho từng tài sản để thực hiện. Đối với các tài sản công qua rà soát đang vướng mắc về trình tự, thủ tục thì UBND cấp huyện phải chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Thị Hương tham gia trả lời chất vấn cùng Giám đốc Sở Tài chính (Ảnh Minh Hiếu).
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính cũng đã làm rõ thực trạng nhiều thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có giá trị rất lớn đến nay không còn sử dụng nhưng chậm thực hiện điều chuyển; các thiết bị dạy nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vừa thừa, vừa thiếu, chưa phát huy hiệu quả. Để làm rõ nội dung này, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Thị Hương và Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Bá Cẩn đã cùng tham gia trả lời để đáp ứng sự kỳ vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi làm rõ một số nội dung liên quan đến chất vấn (Ảnh Minh Hiếu).
Phát biểu làm rõ thêm nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất dôi dư cũng như trong quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, thiết bị giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời đề nghị các sở, ngành liên quan và các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian tới.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận nội dung chất vấn Giám đốc Sở Tài chính.
Phát biểu kết luận nội dung chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài chính, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Tại phiên chất vấn các đại biểu đã nêu câu hỏi rất cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng và bám sát chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề và mang tính xây dựng, trách nhiệm cao; thể hiện vai trò, trách nhiệm và quyền giám sát của đại biểu HĐND. Nội dung chất vấn của các đại biểu đã được đồng chí Giám đốc Sở Tài chính trả lời đúng trọng tâm, không né tránh.
Qua phiên chất vấn ngày hôm nay, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất tỉnh, Sở Tài chính, các ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, triển khai có hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý, quản lý tài sản công dôi dư hiện nay, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tế để làm tốt hơn trong đợt sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
Theo đó, đối với UBND tỉnh, báo cáo, đề xuất các cơ quan Trung ương tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện xử lý tài sản công, như: Kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP cho phù hợp với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý tài sản công dôi dư theo hình thức thu hồi thuộc các dự án đấu thầu dự án có sử dụng đất; các tài sản công dôi dư của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; có quy định về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bằng hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất khi trên đất có tài sản công; quy định về hình thức thanh lý, phá dỡ sau sắp xếp đối với các tài sản công; quy định đấu giá đất sau khi đã thanh lý tài sản trên đất…
Cùng với đó, khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định, quy trình đề xuất, thực hiện việc sắp xếp, xử lý các tài sản công trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập; quy định về đấu giá đối với các cơ sở nhà, đất là nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố mà đất làm nhà văn hóa và tiền xây dựng từ nguồn ngân sách kết hợp nguồn đóng góp của Nhân dân, hoặc hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa; quy định việc sử dụng tiền thu được từ đấu giá, đề xuất cơ chế hỗ trợ lại khu dân cư sau khi thực hiện tổ chức đấu giá tài sản.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập; phê duyệt phương án xử lý cụ thể với từng tài sản; chỉ đạo làm tốt một số trường hợp “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” để làm điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các huyện, thị, thành phố.
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ tài sản công vào cơ sở dữ liệu tài sản công quốc gia để theo dõi, quản lý; hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý của từng tài sản nhà, đất, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất trên địa bàn tỉnh; đưa tài sản sau sắp xếp vào sử dụng, tuyệt đối không để bỏ trống, không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động rà soát, sắp xếp lại máy móc thiết bị và tài sản công khác hiện có thuộc phạm vi quản lý; đối với máy móc, thiết bị và tài sản công khác dôi dư (vượt tiêu chuẩn, định mức), đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản kịp thời báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý theo các hình thức quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện đầu tư sửa chữa, cải tạo một số tài sản công dôi dư sau khi đã thực hiện sắp xếp theo quy định, mà phải chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng.
Đối với các sở, ngành, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy định, quy trình, trình tự thực hiện xử lý tài sản công sau sáp nhập. Hướng dẫn kịp thời, đầy đủ các quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khi tổ chức thực hiện, báo cáo cấp trên nếu vượt thẩm quyền.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý tài sản đất, nhà sau sáp nhập rà soát, lập phương án sắp xếp và xử lý tài sản bảo đảm hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các đơn vị hành chính. Kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn và xử lý các vi phạm (nếu có).
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xác lập sở hữu toàn dân đối với các trang thiết bị được tài trợ; rà soát máy móc, thiết bị và tài sản dôi dư; xác định nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án xử lý theo hướng điều chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu và các hình thức khác theo quy định.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát máy móc, thiết bị và tài sản dôi dư; xác định nhu cầu sử dụng, đề xuất phương án xử lý theo quy định.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, ĐVHC trên địa bàn. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Kế hoạch số 69/KH-UBND của UBND tỉnh và các văn bản quản lý, hướng dẫn, đôn đốc của tỉnh về sắp xếp lại, sử dụng tài sản công hợp lý, hiệu quả, tránh gây lãng phí, thất thoát.
Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất do các huyện, thị xã, thành phố quản lý; xây dựng hình thức xử lý đối với từng tài sản nhà, đất phù hợp các loại quy hoạch, có tính khả thi cao; trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Rà soát, đưa các nhà văn hóa, sân vận động dôi dư làm điểm sinh hoạt cộng đồng cho các khu dân cư. Thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập. Trong thời gian chưa xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư phải bố trí nhân lực trông coi, bảo vệ, bảo quản tài sản, tránh để lấn chiếm thất thoát, xuống cấp hư hỏng, gây lãng phí tài sản của Nhà nước.
Tố Phương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/khac-phuc-tinh-trang-cham-tre-lang-phi-trong-sap-xep-xu-ly-tai-san-cong-doi-du-sau-sap-nhap-nbsp-nbsp-219035.htm