Ngày 23-8, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phiên họp thường kỳ tháng 8-2023 của UBND tỉnh đã được tổ chức nhằm đánh giá tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh tháng 8; nhiệm vụ trọng tâm tháng 9-2023 và một số nội dung quan trọng khác.
Toàn cảnh phiên họp.
Dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Các đại biểu dự phiên họp.
Kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh tháng 8; nhiệm vụ trọng tâm tháng 9-2023 trình bày tại phiên họp nêu rõ: Tháng 8 dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, một số lĩnh vực có bước phát triển. Trong đó, nổi bật là sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, không có dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi, sản lượng thủy sản tăng 6,2% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 2,23%, có 14/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ; doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 3,4%, tổng thu du lịch tăng 6,6% so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách tăng 15,5%, doanh thu vận tải tăng 17,1%; thành lập mới doanh nghiệp tăng 73,3% so với cùng kỳ.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang trình bày báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 8-2023.
Công tác lập, trình phê duyệt các quy hoạch xây dựng chi tiết, quy hoạch phân khu chức năng được các đơn vị tích cực đẩy nhanh tiến độ.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong tháng có thêm 13 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Lũy kế toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện, 359 xã đạt chuẩn NTM; 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 354 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Mai Xuân Bình phát biểu tại phiên họp.
Lĩnh vực đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm. Trong tháng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án đầu tư trực tiếp trong nước và 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 195 tỷ đồng và 45,8 triệu USD. Lũy kế 8 tháng năm 2023 toàn tỉnh đã thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp, gồm 31 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án có sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư và 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 25.677,4 tỷ đồng và 194,8 triệu USD.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa phát biểu tại phiên họp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Cùng với đó, chất lượng hoạt động văn hóa – xã hội được nâng lên; thể thao thành tích cao đạt kết quả tích cực, Câu lạc bộ Bóng đá Đông Á Thanh Hóa đã vô địch Cúp Quốc gia năm 2023; các chế độ, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống Nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Còn những khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 năm 2023 vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định đó là: Thu ngân sách Nhà nước cơ bản đạt dự toán được giao (đạt 74% dự toán) nhưng số thu tháng 8 tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ. Kết quả thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 các dự án chưa đảm bảo theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 9-2-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án chưa được tháo gỡ kịp thời; tiến độ thi công nhiều dự án trọng điểm còn rất chậm…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại phiên họp.
Theo đánh giá từ thực tiễn cũng như nhận định của các đại biểu tại phiên họp, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó đáng chú ý là tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có nhiều bất ổn, sức tiêu thụ hàng hóa ở một số thị trường truyền thống bị thu hẹp, tác đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động trong giải quyết công việc ở một số ngành, địa phương, chủ đầu tư chưa cao.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công trong giải quyết khó khăn, vướng mắc có lúc, có việc còn lúng túng, chưa quyết liệt; năng lực quản lý của nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn còn hạn chế…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích làm rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tháng 9 và những tháng cuối năm 2023. Trong đó có nhiều nội dung được phân tích, đánh giá sâu như việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công; hoạt động thu ngân sách Nhà nước; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số sở, ngành, địa phương…
Tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu đã cho ý kiến vào dự thảo báo cáo và yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu, hoàn thiện báo cáo. Đồng thời lưu ý, báo cáo cần chỉ rõ nhưng địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; kết quả giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án chưa bảo đảm kế hoạch giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với những kết quả đạt được nêu trong báo cáo, đồng thời phân tích, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém liên quan tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người được phân công giải quyết công việc; năng lực của một bộ phận cán bộ các cấp còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa cao; kỷ luật, kỷ cương trong từng cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa được siết chặt. Thái độ, đạo đức công vụ của một số chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng, cấp sở có liên quan đến người dân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế…
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng phê bình những đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 thấp, trong đó có các đơn vị như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa; Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa; Sở Xây dựng; các huyện Mường Lát, Ngọc Lặc, Hà Trung…
Về nhiệm vụ trọng tâm 9-2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ đã đề ra trong báo cáo, như: Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển, các vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, xuất nhập khẩu… Xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề được báo chí, dư luận và người dân, doanh nghiệp quan tâm, phản ánh, đề xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025…
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Tập trung làm rõ, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và trình duyệt các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết trong Khu kinh tế Nghi Sơn; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các huyện, thị xã, thành phố. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII trên địa bàn tỉnh…
Cùng với đó, các cấp, các ngành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tỉnh Thanh Hóa đang bước vào mùa mưa lũ, vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương chủ động xây dựng các phương án, kịch bản và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho công tác phòng, chống bão lũ. Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng thống nhất chương trình kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với các huyện miền núi từ nay đến nửa đầu tháng 9-2023.
Liên quan đến các dự án đầu tư chậm tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các đơn vị, ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ. Đồng thời, yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách Nhà nước tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế; đẩy nhanh việc tính tiền sử dụng đất các dự án có sử dụng đất; đôn đốc các khoản nợ kéo dài, quá hạn, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2023.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; có giải pháp duy trì các chỉ số thành phần có thứ hạng cao, nâng cao các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS.
Đồng thời lưu ý ngành giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên để triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, trước mắt là cho hoạt động khai giảng năm học mới.
Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa Phạm Văn Báu báo cáo tóm tắt Dự thảo Đề án phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đến năm 2030.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận và cho ý kiến về báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành còn hiệu lực (nhiệm kỳ 2016-2021 và nhiệm kỳ 2021-2026); Dự thảo Đề án phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đến năm 2030 và một số nội dung quan trọng khác.
Phong Sắc