Quyết tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Cán bộ Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Lạch Hới theo dõi việc duy trì hệ thống giám sát hành trình của tàu cá đang khai thác trên biển.
Với nỗ lực gỡ bỏ “thẻ vàng”, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tổ chức nhiều hoạt động tuần tra, kiểm soát lồng ghép tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân, các tổ chức, cá nhân về Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Do đó nhận thức của ngư dân, các chủ tàu, thuyền đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện toàn tỉnh có 1.123/1.143 tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình VMS, đạt 98,3%, số còn lại là tàu cá thường xuyên nằm bờ không khai thác. Kết quả thực hiện đánh dấu tàu cá, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy phép khai thác thủy sản đều đạt tỷ lệ từ 92,9 – 100%… Tuy nhiên, trong tổng số tàu thuyền đã lắp thiết bị giám sát hành trình vẫn còn tình trạng chủ tàu, thuyền trưởng chưa ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác, chưa tuân thủ quy định khi ra, vào cảng, chưa duy trì thường xuyên kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển.
Mỗi ca trực của cán bộ văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Lạch Hới không chỉ theo dõi tàu ra, vào bến, bảo đảm an ninh tại cảng mà còn giám sát, kiểm tra kết nối của hệ thống giám sát hành trình đối với các tàu, thuyền đang khai thác trên biển. Với tỷ lệ 98,3% tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình, chỉ với một click chuột trên hệ thống VMS sẽ phát hiện những tàu cá mất kết nối hoặc kết nối gián đoạn khi đang khai thác ngoài khơi. Ông Lê Văn Hân (Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng Lạch Hới, TP Sầm Sơn), cho biết: Văn phòng bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để hỗ trợ tàu cá cập cảng, đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng tuyến biển tăng cường lực lượng, phương tiện thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển, cửa lạch, bãi ngang, cảng cá và kiên quyết không cho tàu cá xuất bến khi không đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định. Đây là nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân, chủ tàu trong việc tuân thủ quy định khai thác thủy sản theo Luật Thủy sản và khuyến nghị của EC.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, Thanh Hóa hiện có 6.244 tàu cá tham gia khai thác thủy sản trên biển, trong đó có 1.143 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác thủy sản vùng khơi. Mặc dù các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về tuân thủ các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại các cảng cá cho thấy còn một số tàu cá vẫn vi phạm các lỗi như không khai báo khi cập cảng và rời cảng, thiếu ghi chép nhật ký khai thác, không bật thiết bị giám sát hành trình, có tới 30% tàu cá quá hạn đăng kiểm… Hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa vào danh sách theo dõi, giám sát với 85 tàu cá có nguy cơ vi phạm chống khai thác IUU.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa Lê Văn Sáng, cho biết: Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương có biển tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát ngay tại cảng cá cửa sông, cửa lạch, phát hiện, xử lý nghiêm các tàu thiếu thủ tục, hồ sơ theo quy định. Đợt làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 4 vào tháng 10-2023 sẽ là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa cùng với cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Do vậy, ngành chức năng, các địa phương, văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá cần quyết liệt hơn trong tuyên truyền, quản lý đội tàu, kiểm tra, xử lý vi phạm. Đặc biệt, mỗi ngư dân, cần nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động nghề cá.
Bài và ảnh: Lê Hòa