Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan tập trung giải quyết những kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và các tổ chức thành viên.
Khu tái định cư trên địa bàn huyện Mường Lát.
Kiến nghị 1: Chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu có các giải pháp, cơ chế để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực của tỉnh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Theo trả lời:
– Về chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan Thường trực chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể như sau:
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh đi đôi với việc tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh; trong đó, quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; gắn tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; quy định mốc thời gian hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đối với từng loại dự án; kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân chậm sang cho các dự án có tiến độ thực hiện nhanh nhưng còn thiếu vốn.
UBND tỉnh đã thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, có các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 do Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát hiện trường để phối hợp, làm việc với các địa phương, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng. Định kỳ mỗi quý 1 lần, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao ban đầu tư xây dựng cơ bản với các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư.
Yêu cầu các chủ đầu tư, UBND cấp huyện, cấp xã ký cam kết về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đối với từng dự án; ban hành kế hoạch và giao chỉ tiêu giải phóng mặt bằng năm 2024 cho từng dự án.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án; bảo đảm tính sẵn sàng của dự án để triển khai thực hiện ngay sau khi được giao vốn; khắc phục tình trạng “vốn chờ thủ tục”. Tiếp tục thực hiện rút ngắn, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật), kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế dự toán công trình. Thường xuyên rà soát, dự báo các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh để kịp thời giải quyết, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trữ lượng, chất lượng, khả năng cung ứng, cung đường vận chuyển, thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu, bãi đổ thải.
Việc triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm cho tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh cơ bản ổn định, tiếp tục phục hồi và phát triển; chênh lệch xã hội dần được được rút ngắn; chất lượng cuộc sống được cải thiện; năng lực sản xuất được tăng cường; tạo được việc làm và khuyến khích doanh nghiệp phát triển.
– Về các giải pháp, cơ chế để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực của tỉnh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống cho Nhân dân, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tại Hội nghị tiếp doanh nghiệp định kỳ vào ngày 21 hằng tháng hoặc hội nghị tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2026; Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Với những nỗi lực nêu trên, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã dần hồi phục. Trong Quí I năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 640 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,5%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước, vốn điều lệ đăng ký đạt 6535,8 tỷ đồng, tăng 51,8%; nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp quý I ước đạt 3.982 tỷ đồng, chiếm 46% tổng thu nội địa và tăng 17% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lĩnh vực, địa bàn theo dõi, quản lý, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kiến nghị 2: Tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất; đồng thời tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng, thu hút các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh.
Theo trả lời: Ngày 6/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 16771/UBNDNN chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo và giám sát công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trên địa bàn tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 4/12/2023 về việc lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 19654/UBND-NN ngày 27/12/2023 để triển khai đến các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hoá có nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác cấp Giấy chứng nhận; kết quả cụ thể như sau:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận cho người dân tại 22 lượt Chi nhánh Văn phòng đăng ký trực thuộc, cụ thể: Thực hiện kiểm tra Quy chế làm việc và các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn tại 8 Chi nhánh; giám sát quy trình xử lý, thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, quy trình xử lý, thời gian giải quyết hồ sơ đo đạc của người dân tại Chi nhánh Quảng Xương; kiểm tra việc khắc phục tồn tại, hạn chế sau kiểm tra tại Chi nhánh Hoằng Hoá; kiểm tra việc thực hiện phân cấp tại 2 Chi nhánh (Triệu Sơn, Hậu Lộc); các phòng chuyên môn nghiệp vụ thực hiện kiểm tra tại 10 Chi nhánh; chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của viên chức thực thi nhiệm vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các viên chức, người lao động nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị có vi phạm quy định của pháp luật, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong hệ thống Văn phòng đăng ký; linh hoạt trong công tác bố trí, điều động luân chuyển viên chức, người lao động trong hệ thống. Phấn đấu năm 2024, giảm tỷ lệ hồ sơ chậm trên toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký từ 6% xuống còn 2%, giảm tình trạng đơn thư, kiến nghị, gây phiền hà sách nhiễu trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Sở Tài nguyên và Môi trường; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm, giáo dục tư tưởng, đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động; tiếp tục tổ chức làm việc với UBND cấp huyện, các Chi nhánh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chuyên môn thông qua hình thức làm việc trực tiếp hoặc trực tuyến.
Thực hiện công khai minh bạch các quy trình, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chi phí phải nộp để hạn chế tối đa hồ sơ xử lý chậm và tình trạng gây phiền hà sách nhiễu khi xử lý hồ sơ. Chủ động nắm bắt thông tin dư luận xã hội, phản ánh của người dân về việc thực hiện thủ tục hành chính của các Chi nhánh Văn phòng đăng ký thông qua hòm thư góp ý đặt tại Bộ phận Một cửa của các Chi nhánh và thông qua hoạt động của số điện thoại Đường dây nóng.
Kiến nghị 3: Thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao các chỉ số thành phần có xếp hạng thấp để cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các chỉ số cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Theo trả lời:
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn; trong đó, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 22-KH/TU ngày 23/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về đầu tư, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như: đầu tư, xây dựng, đất đai, bất động sản, thuế, hải quan, điện, năng lượng, sản xuất, chế biến nông sản, xuất nhập khẩu, giáo dục, đào tạo, y tế, lý lịch tư pháp…
Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 9/10/2023 về duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025, nhằm duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần có thứ hạng tốt, tập trung khắc phục những chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các chỉ số, đặc biệt là Chỉ số PCI. Quản lý, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần để tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tỉnh Thanh Hóa đạt 100%; hồ sơ đấu thầu qua mạng đạt 100%.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai có hiệu quả dịch vụ hành chính công từ tỉnh đến cơ sở, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp; tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội.
Kiến nghị 4: Chỉ đạo UBND các cấp bố trí kinh phí thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội theo Nghị quyết số 109/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh.
Theo trả lời: Nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị – xã hội các cấp. Trong phạm vi kinh phí phục vụ công tác giám sát, phản biện xã hội được cơ quan có thẩm quyền giao, căn cứ tình hình thực tế triển khai công việc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị các cấp quyết định việc chi tiêu cho các nội dung công việc, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND các cấp bố trí kinh phí thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội theo Nghị quyết số 109/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh.
Kiến nghị 5: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố tiếp tục quan tâm xây dựng Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố Thanh Hóa.
Theo trả lời: Dự án Cung văn hóa thiếu nhi và Trung tâm thể dục thể thao thành phố Thanh Hóa được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 3016/QĐ-UBND Ngày 4/4/2023. Đến nay, Sở Xây dựng đã thẩm định xong thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; dự kiến khởi công xây dựng công trình ngày 20/4/2024 và hoàn thành ngày 30/5/2025.
Kiến nghị 6: Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng khoa, phòng lão khoa ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện; có chủ trương xã hội hóa, cơ chế, chính sách hỗ trợ ban đầu xây dựng các cơ sở dưỡng lão, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Theo trả lời: Tỉnh Thanh Hoá hiện có 13 bệnh viện tuyến tỉnh, 25 bệnh viện tuyến huyện, 20 bệnh viện ngoài công lập, có 2 bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn. Mạng lưới khám chữa bệnh lão khoa trên toàn tỉnh, hiện có 11 khoa lão khoa đã được thành lập tại các bệnh viện, với tổng quy mô trên 400 giường bệnh kế hoạch, có 167 nhân viên y tế cơ hữu đang làm việc tại các khoa lão khoa của các bệnh viện, tuy nhiên chỉ có 17 người được đào tạo chuyên khoa lão hoặc có chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo chuyên khoa lão. Nhằm cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đối với lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi (NCT); tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho công tác khám bệnh, chữa bệnh và điều trị cho NCT tại Thanh Hoá và khu vực lân cận; chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đáp ứng nhu cầu của quá trình già hoá dân số đang diễn ra rất nhanh chóng, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Y tế tham mưu Đề án thành lập Bệnh viện Lão khoa nhằm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân, trọng tâm là NCT trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận; đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT phù hợp với từng giai đoạn, thích ứng với quá trình già hóa dân số; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa; đầu tư xây dựng các cơ sở dưỡng lão, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Quốc Hương (Tổng hợp)