Để kích cầu tiêu thụ các sản phẩm vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền biển do phụ nữ tham gia sản xuất, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ kinh nghiệm kiến thức kinh doanh, nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành; tìm kiếm thị trường, quảng bá và xây dựng thương hiệu.
Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh của địa phương
Thôn Trung Chính và thôn Trung Tâm, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm mắm tép. Được làm từ những mớ tép riu tươi ngon được ủ muối từ 2-3 tháng, có màu ánh vàng, sánh, xa xưa, đây là món đặc sản được dùng để tiến vua. Ngày nay, hương vị mắm tép Yên Dương được người tiêu dùng biết đến vì chất lượng tươi ngon và an toàn. Tuy nhiên, nghề làm mắm tép cũng gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu thiên nhiên ngày một ít. Có những giai đoạn thị trường tiêu thụ chậm, một số hộ làm mắm tép không còn mặn mà với nghề.
Để gìn giữ và phát triển nghề làm mắm tép truyền thống, năm 2018, Hội LHPN huyện Hà Trung đã chỉ đạo thành lập tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh mắm tép do phụ nữ làm chủ, nhằm tập hợp chị em cùng tham gia sản xuất, hỗ trợ nhau về vốn, thị trường, tập huấn kỹ thuật… để các sản phẩm đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tháng 10/2024, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN huyện, xã nâng cấp tổ hợp tác lên HTX sản xuất và kinh doanh mắm tép do phụ nữ tham gia quản lý xã Yên Dương. HTX gồm 20 thành viên, vốn điều lệ hoạt động 40 triệu đồng và được hỗ trợ ban đầu công cụ sản xuất, gồm: 2 giá kệ trưng bày sản phẩm, 70 chum làm mắm, 1.250 lọ thủy tinh đựng sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tập huấn với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để các thành viên HTX tiếp tục duy trì, phát triển nghề truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Đua, Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Trung, cho biết, việc tiếp tục khôi phục nghề làm mắm tép tiến vua nằm trong kế hoạch của chính quyền địa phương, hướng tới quy hoạch lại vùng khai thác, nhằm đảm bảo nguyên liệu cho người dân làm nghề, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ. HTX không chỉ duy trì nghề truyền thống, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm… mà về lâu dài, còn tiến tới mở rộng vùng nguyên liệu nuôi tép để phát triển nghề, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành phố.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa Ngô Thị Hồng Hảo bày tỏ mong muốn Hội đồng quản trị và thành viên HTX sản xuất và kinh doanh mắm tép do phụ nữ tham gia quản lý xã Yên Dương sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo hơn nữa để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tranh thủ sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, kết nối với câu lạc bộ nữ doanh nghiệp huyện mở rộng thị trường tiêu thụ, chia sẻ kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm.
Kích cầu tiêu thụ sản phẩm
Giới thiệu, trưng bày các làng nghề, sản phẩm OCOP; sản phẩm đặc trưng vùng miền gắn với chuyển đổi xanh; sản phẩm của hội viên, phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa… là một trong những hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Ngày hội phụ nữ sáng tạo – khởi nghiệp, giúp phụ nữ thể hiện tài năng, trí tuệ và bản lĩnh trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường. Đồng thời, đây cũng là dịp để các cấp Hội ghi nhận, tôn vinh, truyền cảm hứng khởi nghiệp, kỹ năng kinh doanh cho phụ nữ, tạo động lực thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Để khuyến khích phụ nữ phát triển kinh tế, mở rộng thị trường, UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, Hội LHPN các cấp, Hiệp hội doanh nhân nữ trong tỉnh đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và của tỉnh về khởi nghiệp, giúp chị em tự tin tham gia sản xuất kinh doanh, phát triển HTX, doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu, chiến lược về bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh có hiệu quả được duy trì, nhân rộng. Các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm… được tổ chức giúp chị em phụ nữ trong tỉnh chia sẻ kinh nghiệm kiến thức kinh doanh, nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành; tìm kiếm thị trường, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Từ những hỗ trợ đó, hội viên, phụ nữ trong tỉnh đã được truyền cảm hứng, nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ để tạo ra những sản phẩm đặc trưng, đặc sản, mang thương hiệu của địa phương, mang thương hiệu của phụ nữ có chất lượng tốt, an toàn với người tiêu dùng, khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế – xã hội.