Những năm qua, Tài chính vi mô (TCVM) được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Không đơn thuần cung cấp nguồn vốn vay, giúp các đối tượng khách hàng là hộ nghèo, thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các dịch vụ tài chính và phi tài chính để cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Hơn hết, nguồn vốn vay của TCVM góp phần giúp khách hàng nâng cao năng lực, tự tin, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình, xã hội.
Bà Đỗ Thị Chanh (xã Quảng Nham, Quảng Xương) sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa từ năm 2007 đến nay.
Từ uy tín, trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ…
Cũng hoạt động trong lĩnh vực tín dụng nhưng phương thức hoạt động, sứ mệnh, mục tiêu hướng tới của TCVM nói chung khác biệt rất lớn so với các tổ chức tín dụng khác. Bên cạnh chức năng là trung gian tài chính, thông qua phương thức tạo các tổ, nhóm cho vay hoặc đào tạo kiến thức, chuyển giao kỹ thuật… trong cộng đồng, TCVM đã trở thành trung gian xã hội, công cụ phát triển của người nghèo, thu nhập thấp. Đây được xem như một trụ cột quan trọng hướng tới phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế Việt Nam toàn diện, bền vững.
Hình thành và phát triển trong “dòng chảy” chung ấy, Tổ chức TCVM Thanh Hóa luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, không ngừng nỗ lực, cố gắng vì sự phát triển cộng đồng. Để ngày càng có thêm nhiều hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, yếu thế được tiếp cận dịch vụ tài chính “gần gũi, thân thiện, hiệu quả”, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của tổ chức đã phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu thực tế như vốn vay vi mô, sản phẩm tiết kiệm, sản phẩm bảo hiểm vi mô… Cùng với đó, chú trọng việc mở rộng địa bàn hoạt động ra các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thông qua nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, Tổ chức TCVM Thanh Hóa có nhiều đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp tiếp cận, tổ chức kênh phân phối. Một mặt, cán bộ TCVM trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng hoặc thông qua hội LHPN, chính quyền địa phương. Mặt khác, TCVM Thanh Hóa ứng dụng công nghệ (qua máy tính bảng, điện thoại smartphone) để đăng ký thông tin khách hàng vay vốn thông qua phân hệ phần mềm CCS và app tiết kiệm online để giao dịch với khách hàng gửi tiết kiệm ngay tại nhà văn hóa thôn với mức tiền gửi nhỏ nhất, khách hàng có thể gửi thường xuyên mà không mất chi phí đi lại.
Khi vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, khách hàng thường xuyên được tham gia các buổi hội thảo, tập huấn, tư vấn giáo dục tài chính cá nhân, cách thức vay vốn – sử dụng vốn vay và tư vấn tiết kiệm… Từ đó, khách hàng không chỉ được cung cấp “cần câu” mà còn có điều kiện được cập nhật, tiếp thu kiến thức, nâng cao hiểu biết, nhận thức, tự tin bước vào hành trình vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống.
… đến nghị lực vươn lên của khách hàng vay vốn
Gần 14 năm vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa là cả chặng đường dài với nhiều nỗ lực vươn lên thoát nghèo, khẳng định giá trị bản thân của bà Đỗ Thị Chanh (62 tuổi, thôn Bắc, xã Quảng Nham, Quảng Xương). Trong ngôi nhà ấm áp tiếng nói, cười của con cháu, nhớ lại những năm tháng vất vả đã qua, bà không khỏi ngậm ngùi, xúc động, tâm sự: “Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, người ta có vợ có chồng kề vai sát cánh còn trăm bề vất vả, huống hồ là bà mẹ đơn thân nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học”.
Ngày ngày bà bươn chải mưu sinh với công việc buôn bán hải sản. Bởi tính tình chịu thương chịu khó, năng nổ, nhiệt tình, bà được yêu mến, tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Bắc. Mặc dù cuộc sống nhiều bộn bề, khó khăn, nhưng bà luôn tự nhủ lòng phải luôn lạc quan, cố gắng vì mình và các con. Năm 2007, bà biết đến Tổ chức TCVM Thanh Hóa và quyết định tham gia vay vốn với hạn mức 3 triệu đồng sau khi tìm hiểu, lắng nghe tư vấn kỹ càng. Bà cho biết: “Các thủ tục như giải ngân, thu phát vốn được cán bộ tín dụng của TCVM Thanh Hóa thực hiện ngay tại nhà văn hóa thôn. Cán bộ của tổ chức đến tận hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ. Đặc biệt, khách hàng không cần nộp bất kỳ loại chi phí gì để nhận vốn”.
Bằng số vốn vay ấy, bà Chanh có điều kiện nhập thêm hàng hóa, mở rộng việc buôn bán. Lần hồi qua năm tháng, công việc ngày càng thuận lợi hơn, con cái dần trưởng thành, cuộc sống của bà cũng phần nào vơi bớt lo toan. Khi đã “có tuổi”, có chút vốn liếng, bà không còn “chạy chợ” hằng ngày như trước, mà mua sắm 3 máy giặt công suất lớn mở tiệm giặt là. Thu nhập ở tiệm giặt là có thể không bằng công việc buôn bán nhưng đỡ cực nhọc, vất vả.
Được biết, thôn Bắc (xã Quảng Nham) có 64 hội viên tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Bà Chanh chia sẻ: “Không chỉ cách thức cho vay linh hoạt, phù hợp với đối tượng khách hàng mà Tổ chức TCVM Thanh Hóa còn có hình thức thu hồi vốn vay rất hay, đúng theo kiểu “vay một thúng trả từng đấu” – vay một lần trả dần trong nhiều tháng. Những người vay vốn như chúng tôi không chỉ dễ vay, dễ trả, hết chu kỳ vay lại có một khoản tiết kiệm nho nhỏ. Vì thế nên chúng tôi rất tin tưởng, xem đó như cơ hội cho tương lai của mình”.
Các thành viên vay vốn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Trong những câu chuyện của mình, các thành viên luôn gửi lời cảm ơn đến Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã tạo điều kiện cho chị em được vay vốn để họ có thêm động lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống.
Chị Lê Thị Thúy ở xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa) vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa từ năm 2011 với hạn mức 6 triệu đồng. Với một người phụ nữ chân ướt chân ráo về làm dâu xứ lạ, thu nhập chỉ trông vào sạp hàng nhỏ buôn bán quần áo ở chợ, chồng là lao động tự do, con nhỏ đau ốm liên miên, số tiền ấy thực sự là “điểm tựa” để chị Thúy tính toán làm sao để sử dụng thật hiệu quả, không lãng phí cơ hội. Từ hiểu biết, kinh nghiệm trong việc buôn bán quần áo, vải vóc, chị mạnh dạn “khởi nghiệp” bằng cách mở một tiệm may nhỏ. Nhờ thạo việc, thêm tính chăm chỉ, nhiệt tình với khách hàng, sản phẩm chất lượng nên tiệm may ngày càng đông khách, thu nhập khá.
Nhận thấy cơ hội phát triển, chị không ngần ngại “dốc lực” đầu tư mở rộng quy mô nghề. Từ tiệm may nhỏ, chị xây dựng xưởng may rộng hàng chục mét vuông, đầu tư máy móc, thuê lao động… Từ một người phụ nữ phải chật vật, loay hoay trong bộn bề thiếu khó, đến nay, chị không chỉ vươn lên làm chủ mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương 3 – 5 triệu đồng/tháng. Chị Thúy chia sẻ: “Nếu không có nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ có được thành quả như ngày hôm nay”.
Có thể thấy, những đóng góp của Tổ chức TCVM Thanh Hóa trong công cuộc giảm nghèo bền vững không dừng lại ở câu chuyện “con cá” hay chiếc cần câu. Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã cùng hàng chục nghìn khách hàng của mình viết nên hành trình vượt lên số phận bằng những minh chứng chân thực, sinh động nhất.
Bài và ảnh: Hoàng Linh