Trekking là hình thức du lịch dã ngoại đi bộ đường dài và khám phá thiên nhiên. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của các huyện miền núi phía Tây, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tiến hành khảo sát, đánh giá điểm đến nhằm xây dựng và công bố tour du lịch trekking ngay trong năm 2024.
Du lịch trekking khám phá hang Dơi tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước) được nhiều du khách yêu thích.
Khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa là một dải đất núi rừng trùng điệp, gồm 11 huyện, với 7 dân tộc anh em sinh sống. Đây không chỉ là nơi lưu giữ không gian văn hóa làng bản, với nhiều tập tục sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, mà còn là vùng có ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng gồm: rừng, núi, hồ, hang động, thác nước và nhiều cảnh quan, danh thắng khác.
Cho đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông (thuộc địa phận 2 huyện Quan Hóa, Bá Thước) được đông đảo du khách lựa chọn là điểm đến lý tưởng cho những chuyến du lịch trekking dài ngày. Nơi đây thu hút người yêu thích du lịch trekking bởi đỉnh Pù Luông cao 1.700m, cùng với đó là khu rừng nguyên sinh có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại. Đặc biệt, với hệ thống đá karst của hệ sinh thái núi đá vôi đã tạo nên nhiều hang động đẹp, kỳ bí. Nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, cùng với nhiều tiện ích, dịch vụ du lịch, một số điểm đến trên địa bàn huyện Bá Thước đã dần trở thành điểm tham quan, khám phá nổi tiếng trên bản đồ du lịch trekking của khách quốc tế. Trong đó phải kể đến những địa điểm sở hữu nhiều nét đẹp, cảnh quan hoang sơ, được ví như vườn treo trên cao như: Son – Bá – Mười (xã Lũng Cao); đỉnh Pù Luông, Kho Mường (xã Thành Sơn); bản Đôn (xã Thành Lâm); thác Hiêu (xã Cổ Lũng)… Tại đây mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trekking.
Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông Lê Đình Phương, cho biết: “Hiện nay cùng với tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với trồng cây dược liệu, tại Khu BTTN Pù Luông rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch trekking. Trước đây, chúng tôi đã tổ chức một số đợt khảo sát, khám phá địa hình nhằm đánh giá tiềm năng và thực trạng cho việc quy hoạch phát triển du lịch, đồng thời xác định nếu đưa vào khai thác bài bản, hiệu quả thì loại hình du lịch trekking sẽ có nhiều triển vọng phát triển mạnh, tạo nên sức hút cho nơi đây. Tuy nhiên, cho đến nay, du lịch trekking tại đây vẫn chủ yếu do các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và du khách tự tổ chức, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, mặt khác gây khó khăn trong công tác quản lý môi trường rừng, phòng, chống cháy rừng, bảo vệ các loài động, thực vật quý trong rừng nguyên sinh…”.
Một số huyện miền núi của tỉnh như: Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân… cũng sở hữu địa hình, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, núi cao đan xen những cung đường uốn lượn…, là những chất liệu quý để phát triển trekking tour. Tuy nhiên, đây là loại hình du lịch mạo hiểm, cần có sự đầu tư bài bản và quản lý một cách chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, ban quản lý điểm đến. Mặt khác, để trekking tour không đơn điệu, nhàm chán và có sự khác biệt giữa các địa phương, cần có sự khảo sát, đánh giá cụ thể giữa các bên liên quan trước khi đưa vào khai thác.
Chuyên gia du lịch cộng đồng Dương Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CBT Travel cho rằng: “Du lịch trekking nếu được khai thác có hiệu quả sẽ trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của Thanh Hóa trong tương lai, đặc biệt sẽ góp phần thu hút dòng khách quốc tế. Song, loại hình du lịch này cần được quản lý hiệu quả, tổ chức chuyên nghiệp, để vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa trở thành sản phẩm du lịch chất lượng, có sức hấp dẫn riêng biệt. Cùng với việc khảo sát điểm đến, xây dựng tour du lịch trekking bài bản cần nghiên cứu ban hành những quy định cụ thể về quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ, quy định riêng với những đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm và cả những quy định dành cho du khách”.
Theo kế hoạch, trong quý III năm nay, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức công bố sản phẩm du lịch mới – trekking tour tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước). Hiện nay, các ngành chức năng và các địa phương, đơn vị liên quan đang tập trung khảo sát, đánh giá thực trạng điểm đến. Đồng thời, nghiên cứu kết hợp khai thác các bản du lịch cộng đồng nhằm tạo nên những điểm dừng chân lý tưởng trên các cung đường leo núi.
Bài và ảnh: Lê Anh