Trên địa bàn Thanh Hóa đã có nhiều phụ nữ không chỉ phát triển kinh tế gia đình hiệu quả mà còn khẳng định sự tự tin, dám nghĩ, dám làm, thành công ở mô hình kinh tế hợp tác. Ngày càng nhiều HTX do phụ nữ làm chủ đã trở thành điểm tựa phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và mở ra hướng phát triển kinh tế cho các hộ thành viên.
Sản xuất bánh lá răng bừa tại HTX dịch vụ sản xuất bánh lá Nga My 36 (Quảng Xương).
Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất bánh lá Nga My 36, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) Hoàng Thị Minh Ngà vốn sinh ra ở Yên Định – nơi có truyền thống sản xuất bánh lá răng bừa. Khi về làm dâu tại Quảng Xương, bà vẫn mong muốn mang “nghề” đến quê hương thứ hai của mình. Ban đầu là làm bánh để người thân, gia đình sử dụng khi có công việc, lễ tết. Song nhờ hương vị của bánh ngon, độc đáo nên ngày càng nhiều người đặt hàng để thưởng thức, làm quà biếu. Nhờ sự hữu duyên đó, gia đình bà đã trở thành điểm đặt hàng lý tưởng với sản phẩm bánh lá răng bừa, bánh bột lọc từ hàng chục năm về trước. Tuy nhiên, đến năm 2021, khi bước vào tuổi U50 bà mới quyết định kinh doanh thực sự ở lĩnh vực này. Từ những đơn hàng nhỏ, bà đã mạnh dạn nhận những đơn hàng cả nghìn chiếc bánh, cần huy động sự vào cuộc của hàng chục lao động trong gia đình và tại địa phương.
Bà Ngà cho biết: “Gần 50 tuổi, tôi đã quyết định xin nghỉ chế độ sớm ở lĩnh vực giáo dục để khởi nghiệp với nghề bánh của “quê mẹ” nhưng cũng nhiều gian nan, khó khăn. Trong đó, khó nhất về vốn, thị trường lớn và lựa chọn lao động lành nghề. Song, nhờ định hướng của tổ chức hội LHPN địa phương, năm 2023 tôi đứng ra thành lập HTX dịch vụ sản xuất bánh lá Nga My 36 để phát triển mạnh sản phẩm bánh lá răng bừa, bánh bột lọc trên thị trường. Nhờ đó, những khó khăn dần được tháo gỡ, sản phẩm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, xây dựng thành công sản phẩm bánh lá răng bừa Nga My 36 thành sản phẩm OCOP 3 sao”.
Được biết, HTX dịch vụ sản xuất bánh lá Nga My 36 đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm hệ thống máy nghiền bột, nhào bột, nồi hấp, máy hút chân không, tủ đông… và liên kết với hàng chục hộ dân địa phương để trồng giống lúa 203 làm nguyên liệu sản xuất bánh. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, thu nhập 5 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ khác. Hiện nay, sản phẩm bánh lá răng bừa, bánh bột lọc của HTX không chỉ được tiêu thụ thông qua các bếp ăn tập thể, công ty thực phẩm sạch mà còn là một trong những sản phẩm OCOP lĩnh vực thực phẩm được tiêu thụ mạnh trên một số trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Doanh thu của HTX đạt trung bình hơn 180 triệu đồng/tháng.
Cũng khởi nghiệp với mô hình kinh tế hợp tác, nhưng giám đốc HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc (Nông Cống) Nguyễn Thị Hường lại lựa chọn cho mình một hướng đi khác tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động khu vực nông thôn, đồng thời góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc năm 2019, bà Nguyễn Thị Hường đã tập trung sản xuất các sản phẩm túi xách, giỏ, khay đựng đồ để xuất khẩu. Thông qua các công ty trung gian, HTX đã tạo việc làm cho khoảng 800 lao động tại các huyện Nông Cống, Như Thanh, Thiệu Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn.
Chủ tịch UBND xã Tân Phúc Nguyễn Văn Xuân cho biết: “Mô hình này rất phù hợp với điều kiện của địa phương, vì lao động nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, có thể tranh thủ lúc nông nhàn, thời gian học nghề nhanh, chỉ từ 2 – 5 ngày là đã làm ra thành phẩm. Để xây dựng uy tín và có thể đứng vững trên thị trường trong, ngoài nước, HTX quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho người lao động. Nhờ có HTX mà phần lớn lao động nữ và những người neo đơn, yếu thế còn sức lao động tại địa phương có việc làm, thu nhập lúc nông nhàn”.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ thành lập 33 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 13 HTX, 20 tổ hợp tác phát triển sản xuất. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có khoảng 360 mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nữ trên địa bàn. Trong đó, có nhiều mô hình HTX do phụ nữ làm chủ trở thành điển hình tiên tiến, như: HTX dịch vụ môi trường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), HTX trồng cây nông sản xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc (Nông Cống)… Nhằm khuyến khích hội viên phụ nữ khởi nghiệp trong đó có xây dựng HTX, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3877/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030”, giao Hội LHPN tỉnh làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các hoạt động.
Thông qua việc thành lập mô hình HTX do phụ nữ làm chủ càng khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc tham gia phát triển kinh tế, nhất là tham gia phát triển thành phần kinh tế tập thể. Các mô hình HTX do phụ nữ làm chủ không chỉ góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, còn nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Bài và ảnh: Lê Hòa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/htx-do-phu-nu-lam-chu-229426.htm