Họp nữa, họp mãi… đến bao giờ mới giảm được việc họp, để bớt hành nhau. Câu than vãn, cũng là câu hỏi ấy được xem là mơ ước của rất nhiều người, cho đến tận giờ. Thế nhưng nếu không nghiêm túc, quyết liệt, xem đó là khâu đột phá trong cải cách hành chính, thì có lẽ nó vẫn chỉ là ước mơ.
Câu chuyện sau đây là ví dụ. Tròn 3 năm trước, một anh bạn trong nhóm chúng tôi được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp cao hơn, nhiều người mừng cho anh. Anh em đề nghị tổ chức tiệc liên hoan chúc mừng vào buổi tối đầu tiên sau khi anh nhận nhiệm vụ ở cơ quan mới. Thế nhưng anh đã ngay lập tức chối từ với lý do ngày mai phải đi họp tới 2 cuộc. Sau khi anh nhận quyết định, thủ trưởng cơ quan đem một tập văn bản sang giao việc, trong đó có giấy mời họp.
Tròn một năm anh nhận nhiệm vụ mới, ở buổi liên hoan tất niên của nhóm, anh chủ động thông báo đã hoàn thành tốt việc đi họp, không bỏ cuộc nào. Theo anh nhẩm, mỗi tháng đi họp khoảng mươi mười lăm cuộc, vị chi một năm khoảng chừng trên 150 cuộc, riêng xăng xe để đi họp cũng kha khá. Nhưng rồi anh trầm ngâm nói rằng, mình mới chỉ hoàn thành việc đi họp, chứ nhiệm vụ họp thì chưa. Nói thật là họp nhiều đến mức không có thời gian nghiên cứu tài liệu trước, nên nhiều cuộc không tự tin để tham gia ý kiến. Có cuộc bị người chủ trì mời phát biểu, thì nói chung chung, đại khái cho xong. Đi họp mà thấy mình cứ như người thừa. Nhiều khi phát biểu xong mới thấy mình thiếu nghiêm túc. Nhưng biết làm sao được, không đi họp thì bị phê bình là mình thiếu tôn trọng, vô kỷ luật.
Cuối năm vừa rồi hỏi anh có đỡ phải họp không, thì anh cho biết còn họp nhiều hơn đằng khác. Nhiệm vụ của các ngành, địa phương nhiều nên việc họp cũng sẽ nhiều hơn.
Tôi thầm nghĩ, chẳng biết việc tổ chức nhiều cuộc họp như thế công việc có tốt hơn không. Qua thông tin báo chí trong năm qua, dường như thấy ngành nào, địa phương nào cũng có việc ách tắc, có việc họp rất nhiều lần vẫn chưa xong.
Với những cán bộ được phân công đi họp nhiều đến thế thì còn thời gian nào để họ giải quyết các công việc được giao, thời gian đâu để chỉ đạo, điều hành lĩnh vực phụ trách. Cán bộ có phải ba đầu sáu tay đâu mà có thể cùng lúc giải quyết được nhiều việc, mà việc nào cũng yêu cầu phải nhanh, phải chất lượng.
Việc cán bộ phải đi họp nhiều có phần nguyên nhân từ tình trạng năng lực của đơn vị tổ chức hội nghị yếu nên thường kéo nhiều ngành, địa phương khác vào để nếu xảy ra trách nhiệm còn có lý do để đổ lỗi. Lại có những cuộc họp do người tổ chức muốn có nhiều thành phần cho sang.
Liên quan đến căn bệnh họp hành quá mức, tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ngày 27/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến mức phải yêu cầu: Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân, với nước để “không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy”.
Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách… bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương.
Đã đến lúc chúng ta nghiêm túc xem xét việc họp thế nào cho phù hợp và hiệu quả, tránh lãng phí và hình thức.
Hạnh Nhiên