Qua tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ Online tại một trường phổ thông dân tộc bán trú THCS ở huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), trường này có 14 lớp nhưng chỉ có một giáo viên dạy môn tiếng Anh, nên giáo viên này phải đứng lớp tới 33 tiết/tuần.
Trong khi đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu trường đủ giáo viên thì giáo viên dạy môn tiếng Anh chỉ phải đứng lớp 17 tiết/tuần.
Tuy nhiên, do thiếu giáo viên nên giáo viên dạy môn tiếng Anh tại trường này đang phải dạy thêm giờ tới 16 tiết/tuần, mỗi năm học phải dạy tăng 576 tiết.
Trong khi đó, theo quy định tại thông tư 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm không vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật lao động, tức không quá 200 giờ/năm.
Do thiếu giáo viên, nhiều trường ở Thanh Hóa phải động viên giáo viên cố gắng sắp xếp thời gian dạy thêm giờ cho đủ số tiết, đủ chương trình để học sinh được học kiến thức, có điểm tổng kết năm học.
Bà Hắp Quỳnh Trang – trưởng Phòng Tài chính – kế hoạch huyện Mường Lát – cho biết: “Năm 2024, tỉnh không giao dự toán ngân sách cho huyện theo chỉ tiêu biên chế, mà chỉ giao theo số lượng biên chế thực tế, trong khi huyện đang thiếu giáo viên.
Do đó, UBND huyện đang bàn, tìm phương án bố trí kinh phí để chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên trong học kỳ 2, năm học 2023-2024 và học kỳ 1, năm học 2024-2025″.
Còn tại huyện Lang Chánh, theo thông tin từ Phòng Tài chính – kế hoạch huyện, hiện nay huyện chưa cân đối được nguồn kinh phí để chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên của học kỳ 2 năm học 2023-2024, với tổng số tiền hơn 2,2 tỉ đồng.
Ông Quách Văn Hoan – trưởng Phòng Tài chính – kế hoạch huyện Lang Chánh – cho biết nguyên nhân đến nay huyện chưa chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên vì chưa cân đối được nguồn.
“Năm 2024, huyện Lang Chánh không được tỉnh giao dự toán ngân sách để chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên. Vì tỉnh không căn cứ vào số lượng giáo viên được giao định biên, mà chỉ căn cứ vào số lượng giáo viên thực có ở huyện.
UBND huyện đang cân đối từ các nguồn tiết kiệm chi, nguồn hợp pháp khác để bố trí thanh toán dần cho giáo viên dạy thêm giờ” – ông Quách Văn Hoan cho biết thêm.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, hiện nay tại các trường mầm non, phổ thông công lập của tỉnh này có 8.577 giáo viên dạy thêm giờ trong năm học 2023-2024 nhưng chưa được chi trả tiền làm thêm giờ. Nguyên nhân là do thiếu nguồn kinh phí để chi trả.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho hay, thực hiện thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT có nhiều thuận lợi, quy định cụ thể về cách tính và chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên.
Việc chi trả tiền dạy thêm giờ đã khuyến khích, động viên giáo viên cố gắng, nỗ lực trong công tác, tạo điều kiện để nâng cao thu nhập, đời sống cho nhà giáo.
Tuy nhiên, khi triển khai thông tư này còn gặp khó khăn như: số giờ dạy thêm được tính trả tiền dạy thêm không vượt 200 giờ/năm.
Trong khi thực tế có nhiều nhà giáo đang phải thực hiện số giờ dạy thêm vượt quá 200 giờ/năm, do thiếu giáo viên.
8.577 giáo viên ở Thanh Hóa đang chờ cơ quan chức năng giải quyết, cấp kinh phí trả tiền dạy thêm giờ để giáo viên yên tâm công tác.