Tôi chưa từng biết về Annie Ernaux cho đến khi bà được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học danh giá năm 2022. Tôi tìm đọc “Hồi ức thiếu nữ” (2021, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam kết hợp Nhà xuất bản Hội Nhà văn), và từ sự tò mò sau đó dần bị cuốn theo những dòng ký ức của người thiếu nữ được viết nên bằng giọng văn chân thực, sắc nét, tinh tế, kết cấu độc đáo. Ở đó có thân phận con người, có những mảnh ghép thời đại, có nỗi đau khó có thể chữa lành, có những vấp ngã, và sau tất cả là hành trình vươn lên, vượt qua mọi định kiến để tìm lẽ sống, tự khẳng định mình.
Cuốn sách “Hồi ức thiếu nữ” của tác giả Annie Ermaux – “chủ nhân” của Giải Nobel Văn học năm 2022.
“Tôi ghi lại một cách hỗn độn toàn bộ những chi tiết chợt hiện về của ngày ấy. Như thể cái cách viết – hồi – tưởng – hằng ngày, không gián đoạn, là cách duy nhất tương đồng với việc xóa bỏ khoảng cách bốn mươi lăm năm, như thể bởi vì có chuyện “ngày trùng khớp ngày” về thời gian, nên viết giúp tôi trở về mùa hè năm ấy một cách đơn giản và trực tiếp như đi từ căn phòng này sang căn phòng khác”. Lời bộc bạch của tác giả từ những trang đầu tiên của cuốn sách đã mở ra cánh cửa thời gian, vén tấm màn cách ngăn giữa quá khứ và thực tại, từng bước đưa bạn đọc khóc cười cùng “hồi ức thiếu nữ”. Cuốn sách là lựa chọn táo bạo của tác giả trong việc khắc họa hai nửa cuộc đời mình bằng cách sử dụng đại từ nhân xưng “cô” và “tôi”.
Bối cảnh được tái hiện là mùa hè năm 1958, một mùa hè biến động với cô gái tên Annie D – “cô nàng năm 58” hay “cô gái của S”, thiếu nữ 18 đến làm việc tại trại hè S với tất cả những khát khao, kiêu ngạo. Annie D luôn sống trong sự bao bọc của bố mẹ, là một học sinh có “tư chất” nhưng vào năm 18 tuổi định mệnh ấy, cô đã trở thành đối tượng bị khinh miệt và cười nhạo trong mắt tất cả những người cô mong muốn là bạn bè. Cô trở thành “con mồi”, nạn nhân của trò vu vơ “ma cũ bắt nạt ma mới”. Với những hiểu biết xã hội hạn hẹp, những khác biệt trong tính cách và suy nghĩ, bằng tất cả sự vụng về và lúng túng, cô chìm đắm vào mối tình với chàng trai H. Trước tình yêu mãnh liệt này, cô là “tờ giấy trắng”, cô không nghĩ nhiều về mình mà hoàn toàn làm điều anh ham muốn.
Đau đớn nhất là khi cô bị cả tập thể hùa nhau biến cô thành trò hề, cô thì từng bước tiến vào “cái bẫy” ấy trước sự chứng kiến của H. – người cô yêu, người tình đầu tiên trong đời. Ngay khi cô cần sự che chở của anh nhất, cô đã hy vọng để chạy đến ôm chầm lấy anh như lời cầu cứu, anh dửng dưng khước từ, lặng lẽ xoay người bỏ đi trước mặt tất cả mọi người. “Cô đang trong tâm trạng hoang mang vì mất mát, trong tâm trạng không giải thích nổi vì bị bỏ rơi. Cô thất bại, như một cô gái giẻ rách”. Vậy mà trong suy nghĩ, cô vẫn chỉ muốn “trao thân” cho H. – anh chàng đã muốn cô trao thân đêm trước và cũng là người đã chối bỏ cô, chẳng bởi điều gì vì mọi lý do đều không quan trọng. Tình yêu ấy giống như “lời nguyền”, “đức tin” của người thiếu nữ.
“Hồi ức thiếu nữ” được viết nên bởi những diễn biến tâm lý, tình cảm phức tạp, đan cài, thật khó diễn giải thành lời. Những vết thương khó chữa lành ấy đã khắc sâu trong tâm trí “cô nàng năm 58”, đưa đẩy cô đến những “trượt ngã hân hoan” vào cái cảm xúc được sống một giai đoạn phấn khích nhất trong cuộc đời, khiến cô trở nên thờ ơ, lãnh cảm với mọi sự nhạo báng, mọi lời cay độc, mọi nhận xét nhục mạ. Cô chìm trong “cá tính đầy tai tiếng” ấy. Cô không bao giờ bỏ đi lễ nhà thờ và rước lễ trong các dịp thánh lễ, nhưng trong cô có sự hoài nghi sự tồn tại của Chúa. Cô ưa thích tất cả những gì được gán với sự phản kháng, hiện đại, tức thời. Cô chỉ trích “những cô gái nguyên tắc”, bị che mắt… Cô trải qua những mối tình chóng vánh, những đụng chạm để thỏa mãn ham muốn xác thịt, nhưng rồi cô lại quay về với tình yêu khôi nguyên nhất đời mình – chàng trai H. Cô vẫn thường nhắc đi nhắc lại câu nói “cuộc đời xứng đáng được sống” như một tuyên ngôn trong các bài nghị luận. Điều cô mong muốn chỉ là được hòa mình vào tập thể để “nhân lên tuổi trẻ của ta bằng tuổi trẻ của nhiều người khác”.
Cuốn sách là hành trình từ thực tại tìm về quá khứ, tìm lại hồi ức một thời của người phụ nữ năm 2014? Hay đó là hành trình “cô nàng năm 58” chênh vênh tìm kiếm chính mình trong những trải nghiệm có phần đau đớn, nổi loạn, bướng bỉnh, kiêu ngạo của tuổi trẻ? Chính tác giả đã có lúc lúng túng: “Càng viết, tôi càng cảm thấy mình không thực sự viết. Tôi thấy rõ rằng, những trang viết hồi cố này lẽ ra nên được viết trong tâm trạng khác, nhưng tôi lại không biết là tâm trạng nào. Tôi cũng không tìm kiếm nó. Tôi ở lại, tận sâu thẳm, trong sự tận hưởng thuần túy việc trải bày những ký ức. Tôi chối bỏ những nỗi đau hình thức”.
Từ những trải nghiệm đắt giá ấy, không ai khác, chính là cô đã luôn không ngừng nỗ lực, cố gắng đi qua vùng tối quá khứ với chằng chịt vết thương lòng, ẩn ức giấu kín… Tất cả những tai tiếng chua chát, đủ sức quật ngã cuộc đời người phụ nữ ấy không cản được tinh thần mạnh mẽ đứng lên, khẳng định mình, theo đuổi một công việc yêu cầu chuẩn mực cao – nghề giáo viên, từ “cô nàng năm 58” trở thành người phụ nữ của năm 2014 mặc cho người ta chằm chằm nhìn vào đôi mắt ngân ngấn nước của cô mà rằng “cô không có thiên hướng theo nghề này, cô không sinh ra để làm giáo viên”. Cô là tôi và tôi là cô.
“Hồi ức thiếu nữ” là sự xóa nhòa khoảng cách thời gian, không gian để những “cái tôi” ở những thời kỳ khác nhau, giai đoạn khác nhau của đời người đồng hiện với cách tổ chức, sắp xếp dữ kiện và khai thác tâm lý nhân vật điêu luyện, tinh tế, dẫu biết điều đó là thử thách và cũng không hề dễ chịu một chút nào. “Tôi càng viết thì sự mộc mạc trước đây của câu chuyện đã hình thành trong ký ức của tôi càng dần biến mất. Hồi tưởng cho đến hết năm 1958 thế nghĩa là tôi chấp nhận một dòng tuôn trào những diễn giải tích lũy qua nhiều năm. Không đánh bóng điều gì. Tôi không xây dựng một nhân vật hư cấu. Có một nghi ngờ: có phải là tôi không muốn, một cách mơ hồ, trải bày khoảng đời ấy của tôi để thử nghiệm những giới hạn viết lách, đẩy đến tận cùng sự đánh vật với thực tại”, tác giả bộc bạch.
Bởi vậy, ngay cả khi Annie Ernaux từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn với Gallimard, “Hồi ức thiếu nữ” không phải là tác phẩm mấu chốt trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của bà, nhưng ấn tượng về nó đủ sức gợi lên tầm vóc “chủ nhân” của Giải Nobel Văn học.
Bài và ảnh: Nguyên Linh