Sáng 16/11, Liên chi hội khoa học lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo khoa học: “Bến phà ghép anh hùng thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và việc phát huy truyền thống trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay”.
Các đại biểu tham dự tại hội thảo.
Bến phà Ghép, nay là cầu Ghép, nối liền hai bờ sông Yên, phía Bắc thuộc xã Quảng Trung (Quảng Xương); phía Nam thuộc xã Hải Châu (thị xã Nghi Sơn), cách cửa biển Lạch Mom, nơi cuối nguồn của dòng sông Yên chảy ra biển Đông 1km. Nơi đây là huyết mạch giao thông quan trọng trên tuyến Quốc lộ 1A vào Nam ra Bắc.
Trong hai cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bến phà Ghép là một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ, hòng ngăn chặn con đường chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu – Nhân chứng lịch sử bến phà Ghép tham luận tại hội thảo.
Những năm tháng khốc liệt đó, bến phà Ghép là “túi bom”, là “tọa độ lửa” của không quân và hải quân Hoa Kỳ. Để đảm bảo giao thông thông suốt, khi phà Ghép bị oanh tạc, lực lượng TNXP đã mở thêm hai tuyến: bến phà Ngọc Trà và bến phà Hải Châu. Có thời gian cả ba bến phà hoạt động suốt ngày đêm, bất chấp sự oanh tạc của máy bay và pháo kích địch với khẩu hiệu: “Địch đánh ta cứ đi”.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Trên trận tuyến bảo vệ bến phà Ghép đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân kiên cường, dũng cảm, bám trận địa, giữ vững bến phà, bảo đảm giao thông, trở thành đơn vị, cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang. Đó là: Đại đội dân quân địa phương của huyện Quảng Xương được thành lập ngày 15/5/1972 mang phiên hiệu C94, trong 136 ngày đêm đã chiến đấu và bắn tan xác 5 máy bay siêu âm hiện đại của không lực Hoa Kỳ, phối hợp với bộ đội phòng không chủ lực bắn rơi 2 máy bay khác. Năm 1973 đơn vị C94 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Tiểu đội gái dân quân xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn); Nhân dân và lực lượng vũ trang các xã: Quảng Trung, Quảng Chính, Quảng Khê, Quảng Nham, Quảng Thạch đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Năm 1995, bến phà Ghép được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp bằng công nhận “Di tích lịch sử – cách mạng” cấp Quốc gia.
Lãnh đạo huyện Quảng Xương phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu và nhân chứng lịch sử đã trình bày tham luận với 5 chuyên đề về sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đối với Thanh Hóa; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa trong công tác sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm giao thông khu vực bến phà Ghép. Đóng góp của các ngành, các lực lượng trong chiến thắng phà Ghép; chiến thắng phà Ghép và việc phát huy truyền thống trong thời kỳ hội nhập và phát triển; đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Quảng Xương, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) trong cuộc chiến đấu bảo vệ bến phà Ghép; hành trình đến hội thảo khoa học bến phà Ghép anh hùng và một số vấn đề về văn hóa, văn học nghệ thuật liên quan đến chiến thắng phà Ghép.
Đại tá Nguyễn Văn Đông, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Thanh Hóa tham luận tại hội thảo.
Thông qua hội thảo nhằm ghi lại những chiến công hiển hách, ôn lại truyền thống và nêu gương các anh hùng liệt sĩ của quân và dân Thanh Hóa nói chung, quân và dân 2 huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) nói riêng, trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xây dựng CNXH ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời đề xuất các chủ trương, biện pháp xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng phà Ghép anh hùng, góp phần giáo dục truyền thống và niềm tự hào cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Thu Thủy