Sáng 6/1/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác ngành Ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo tại hội nghị. |
Tại điểm cầu Thanh Hóa, có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, có nhiều diễn biến mới, nhiều vấn đề mới vượt dự báo. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại và ngoại giao được triển khai chủ động, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả và đạt được nhiều bước phát triển mới cả về song phương, đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa. |
Trong năm, nước ta đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện với nhiều nước, qua đó tạo dựng khuôn khổ 32 quan hệ với các đối tác hàng đầu và mở rộng quan hệ ngoại giao lên 194 quốc gia. Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào các thành tựu chung của đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển KT – XH; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta lập kỷ lục mới, cán mốc 800 tỷ USD; đón trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tích cực bảo vệ an ninh, an toàn, quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của công dân doanh nghiệp Việt Nam nhất là tại các vùng chiến sự; trong năm đã giải cứu đưa về nước hơn 1.000 công dân bị ép buộc làm việc; bảo hộ đối với 61 tàu cá/418 ngư dân bị bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài. Lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị tại 6 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO và vận động thành công UNESCO ghi danh thêm danh hiệu di sản, nâng tổng số di sản UNESCO của nước ta lên 71 di sản.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa. |
Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo triển khai đồng bộ, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng của kiều bào đóng góp cho đất nước; hiện nay có trên 6 triệu người Việt Nam tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông tin đối ngoại quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người, văn hoá, thành tựu phát triển KT – XH của đất nước, góp phần tạo sự đồng thuận và ủng hộ của Nhân dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế. Tiếp tục duy trì đường biên giới trên bộ hòa bình, ổn định và hợp tác; đạt được tiến triển trong đàm phán với các nước, nộp hồ sơ đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ở khu vực giữa Biển Đông, thúc đẩy xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982…
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thông tin dự báo tình hình thế giới và khu vực trong năm 2025; đề xuất cơ chế, chính sách, chiến lược đối ngoại, ngoại giao của đất nước trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn) |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả đã đạt được của ngành Ngoại giao trong năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong năm 2025, Bộ Ngoại giao tập trung nắm chắc, dự báo đúng tình hình, nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, xu thế mới, nhận diện chính xác thời cơ để luôn giữ vững thế chủ động chiến lược trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình; Xử lý tốt các tình huống đối ngoại phức tạp nảy sinh, đặc biệt chú trọng nghiên cứu mang tính tổng thể, dài hơi và có chiều sâu về đối ngoại để chủ động tham mưu, cập nhật, bổ sung và hoàn thiện đường lối, chủ trương đối ngoại.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai đồng bộ, nâng tầm công tác đối ngoại, bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại song phương và đa phương; ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân…
Sau hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Thanh Hóa. |
Thủ tướng Chính phủ lưu ý ngành cần tập trung thực hiện tốt chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương và tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, bảo đảm triển khai thông suốt, thống nhất công tác đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo bước tiến đột phá về xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.
Sau hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã phát biểu, chỉ đạo các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa tục bám sát đường lối về ngoại giao của đất nước; từ đó, tập trung lồng ghép nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp nhuần nhuyễn đối ngoại Đảng, ngoại giao chính quyền và đối ngoại Nhân dân trong công tác đối ngoại, xây dựng hoạt động ngoại giao tỉnh Thanh Hóa toàn diện, hiện đại.
Nguồn: https://thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2025-1-6/Hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-nganh-ngoai-giao-2024-pkc6bqo.aspx