Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với ngành du lịch Thanh Hóa nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh đến thị trường du lịch trọng điểm TP Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh Đông Nam Bộ nói chung. Qua đó mở ra cơ hội liên kết chặt chẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, phát triển các tour, tuyến, sản phẩm du lịch giữa doanh nghiệp du lịch Thanh Hoá với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Toàn cảnh hội nghị.
Chiều 25-8, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức Hội nghị liên kết du lịch tỉnh Thanh Hoá với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ.
Các đồng chí: Đào Xuân Yên, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Thi, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Thanh Hoá dự hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng các đại biểu tham dự hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Đào Xuân Yên, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Thi, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam; lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch Thanh Hoá, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nhiều tiềm năng kết nối
Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Thanh Hóa đang lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, với 1.535 di tích và danh thắng (gồm 6 di tích quốc gia đặc biệt là: Thành Nhà Hồ; Khu Di tích lịch sử Lam Kinh; đền Bà Triệu; Di tích khảo cổ hang Con Moong; đền thờ Lê Hoàn và Di tích, danh lam thắng cảnh Sầm Sơn). Độc đáo hơn cả là Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ với kiến trúc hoàn toàn bằng đá nguyên khối, được UNESCO công nhận, vinh danh là Di sản văn hóa thế giới mang tính đặc trưng, nổi bật toàn cầu. Bên cạnh đó là nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo; ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn… Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để Thanh Hóa khai thác, phát huy giá trị, phục vụ phát triển du lịch, đem đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn, với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa”.
Trong khi đó, vùng Đông Nam bộ bao gồm tứ giác kinh tế TP Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng với Bình Phước, Tây Ninh, trong những năm gần đây có bước phát triển mạnh mẽ về du lịch nhờ điểm đến hấp dẫn, năng động và văn hóa độc đáo.
Một trong những lợi thế lớn nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ là hệ thống giao thông thuận lợi, đặc biệt là đường hàng không, với các chuyến bay hằng ngày kết nối Thanh Hoá – TP Hồ Chí Minh. Tỉnh Thanh Hóa chỉ cách TP Hồ Chí Minh khoảng 2 giờ bay. Trong khi đó, Cảng Hàng không Thọ Xuân có khả năng tiếp nhận máy bay cỡ lớn, đang tiếp tục được nâng cấp, trang bị hiện đại, là những thuận lợi cho du khách đến và đi.
Dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có về hạ tầng giao thông, sự khác biệt sản phẩm du lịch giữa các địa phương, tỉnh Thanh Hóa rất coi trọng định hướng mở rộng thu hút thị trường khách du lịch từ các tỉnh, thành phố phía Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi cho biết: Trong những năm gần đây tỉnh Thanh Hoá đặc biệt quan tâm liên kết với các thị trường du lịch trọng điểm, trong đó có TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ. Theo đó, tỉnh đã ưu tiên, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá như: Hội chợ du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh ITE; Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh;… Cùng với đó là các hoạt động tọa đàm, đón đoàn Famtrip doanh nghiệp du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ về khảo sát các khu, điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa.
“Hội nghị là cơ hội cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch của tỉnh Thanh Hoá – TP Hồ Chí Minh – các tỉnh Đông Nam bộ gặp gỡ, liên kết, hợp tác xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm và dịch vụ hoàn chỉnh, chất lượng cao. Qua đó góp phần thu hút đông đảo khách du lịch đến với các tour, tuyến du lịch liên kết giữa tỉnh Thanh Hoá với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ. Đối với người dân Thanh Hóa, các điểm đến du lịch tại TP Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam bộ đã, đang là sự lựa chọn ưu tiên và sẽ tiếp tục được lựa chọn trong thời gian tới nếu có thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh.
Gỡ “điểm nghẽn” để kết nối đi vào chiều sâu
Xuyên suốt hội nghị là những góc nhìn ở nhiều phương diện khác nhau. Trong đó, các đại biểu đã đi sâu vào một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như: kết nối giao thông, quy hoạch du lịch, sản phẩm du lịch, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cơ chế khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp,… Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò là “nhạc trưởng”, nhằm đưa liên kết giữa tỉnh Thanh Hoá và TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ đi vào chiều sâu.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: “Để hoạt động liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thanh Hoá sôi nổi, thiết thực hơn, đóng góp vào sự phục hồi của ngành du lịch cả nước, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Cùng với đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch khôi phục lại hoạt động du lịch; triển khai đa dạng các hoạt động liên kết; chú trọng đổi mới về hình thức liên kết; thường xuyên tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch chung…”. |
Cùng với đó, một số đại biểu đã chỉ ra những thế mạnh và hạn chế của du lịch Thanh Hoá. Cụ thể, trong những năm gần đây, du lịch Thanh Hoá luôn đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút khách du lịch, tuy nhiên, thị trường khách chiếm tỷ trọng cao của du lịch Thanh Hóa hiện vẫn là các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Trong khi đó, để có thể thu hút khách từ các thị trường trọng điểm, tỉnh Thanh Hoá cần có những sản phẩm du lịch cao cấp; thúc đẩy thu hút nhà đầu tư chiến lược; chú trọng quy hoạch du lịch;…
Bà Trần Nguyệt, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group: “Là một trong những nhà đầu tư chiến lược của Thanh Hoá, Tập đoàn Sun Group kỳ vọng với những dự án đã và sẽ triển khai sẽ góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và chất lượng dịch vụ điểm đến, vươn tầm quốc tế. Trong năm 2024, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động công viên nước và công viên chủ đề tại TP Sầm Sơn. Cùng với những trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt, đây còn là nơi sẽ ghi dấu ấn với những điều đặc sắc tại Thanh Hoá. Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hoá cần thúc đẩy quy hoạch đầu tư phát triển du lịch bài bản, dài hạn và quy mô lớn, các mô hình đầu tư có hệ sinh thái về du lịch…”. |
Đồng chí Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định: “Hội nghị liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hoá với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ” là ví dụ rõ nét nhằm đưa liên kết, hợp tác của các địa phương đi vào thực chất, góp phần thực hiện có hiệu quả, thiết thực quan điểm chủ đạo của Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ: “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Đây cũng là kim chỉ nam để toàn ngành du lịch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ và hiệu quả trong giai đoạn tới”.
Để hợp tác, liên kết phát triển du lịch Thanh Hoá với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ đi vào thực chất, có chiều sâu, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị các địa phương cần quan tâm một số vấn đề như: Mỗi địa phương cần phối hợp, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác chặt chẽ và cụ thể hoá nội dung, hoạt động liên kết trong kế hoạch hằng năm của mình để bố trí kinh phí triển khai thực hiện.
Nội dung liên kết, hợp tác chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng, có tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với du khách. Đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài mùa vụ du lịch, tăng cường quản lý điểm đến. Thúc đẩy trao đổi khách giữa Thanh Hóa và vùng Bắc Trung bộ với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.
Các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao, được triển khai thực hiện và thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Cần phát huy thế mạnh khác biệt của các địa phương trong liên kết, quảng bá, xúc tiến và xây dựng sản phẩm du lịch.
Hiệp hội Du lịch Thanh Hoá và Hiệp hội Du lịch các tỉnh/thành phố Đông Nam bộ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch.
Trong khuôn khổ hội nghị, Hiệp hội Du lịch Thanh Hoá và Hiệp hội Du lịch các tỉnh/thành phố Đông Nam bộ đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch.
Hoài Anh