Trong quá trình phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng cũng như trong Chương trình XDNTM, thiết chế thư viện các cấp đã được quan tâm đầu tư. Song, hiệu quả hoạt động vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, cần có giải pháp đổi mới để mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Người dân đọc sách tại nhà văn hóa thôn Tây Ninh, xã Yến Sơn (Hà Trung).
Thanh Hóa hiện có 41 thư viện cấp huyện và tương đương; 1.701 thư viện cấp xã và tương đương (tăng 1.686 so với năm 2019); hơn 4.216 phòng đọc báo ở thôn, bản, khu phố (tăng 4.057 so với năm 2019) và nhiều mô hình thư viện tư nhân, tủ sách gia đình dòng họ. Số bản sách ở các thư viện, tủ sách được quan tâm đầu tư và bổ sung, luân chuyển thường xuyên. Hệ thống thư viện cơ sở phát triển đã góp phần cùng Thư viện tỉnh thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng ngày càng phát triển.
Có được có kết quả đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng các ban, ngành, đoàn thể quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thư viện cơ sở. Đồng thời, Thư viện tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống thư viện cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bằng panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp… về vai trò của thư viện trong sự phát triển của văn hóa đọc. Cùng với đó, Thư viện tỉnh đã tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ thư viện các cấp; thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức bố trí, sắp xếp kho tư liệu cho các thư viện cơ sở; tổ chức hiệu quả công tác luân chuyển sách, báo đến các tủ sách, thư viện, phòng đọc báo ở cơ sở.
Có thể thấy, hệ thống thư viện cơ sở được đầu tư tương đối đồng bộ, đầy đủ là “gam màu sáng”, tạo lợi thế để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động của các thư viện lại thiếu sự đồng bộ – nơi hoạt động hiệu quả, nơi hoạt động cầm chừng, thậm chí vắng bóng người qua lại, nhất là những tủ sách tại nhà văn hóa thôn và thư viện cấp xã.
Có mặt tại nhà văn hóa thôn Tây Ninh, xã Yến Sơn (Hà Trung), phòng đọc sách báo của thôn được bố trí ngay trong nhà văn hóa. Tủ sách với khoảng 300 đầu sách, báo, tạp chí được đặt ở nơi dễ nhìn, dễ lấy. Tuy nhiên, những quyển sách này được rất ít người dân tìm đọc. Hay tại khu phố 2, thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân), tủ sách được đặt tại nhà văn hóa khu phố đã có từ lâu nhưng do ít người đọc, cùng với việc sửa chữa, sắp xếp lại nhà văn hóa nên tủ sách đã được cất vào kho trong thời gian dài. Đến tháng 6/2024 tủ sách mới được khôi phục lại. Song, những cuốn sách phần lớn vẫn nằm gọn gàng trên giá.
Tình trạng trên cũng diễn ra ở hệ thống thư viện cấp xã. Tại Thư viện xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) được hình thành trên cơ sở tủ sách pháp luật được bố trí cùng phòng của bộ phận một cửa tại UBND xã. Thư viện được hình thành nhằm lưu trữ, sử dụng sách, báo phục vụ nhu cầu đọc sách, báo, tra cứu thông tin của người dân trên địa bàn xã. Đến nay, thư viện xã có khoảng 250 đầu sách, báo chủ yếu là tài liệu liên quan đến các chủ trương, chính sách, pháp luật, khoa học – kỹ thuật. Đầu sách ít, không phong phú nên thư viện thường xuyên “vắng bóng” bạn đọc.
Đối với hệ thống thư viện cấp huyện, số lượng bạn đọc đến cũng khá khiêm tốn. Như tại thư viện huyện Thường Xuân, năm 2020 đã xây dựng thư viện xanh, thu hút được nhiều bạn đọc. Tuy nhiên, hoạt động này không được duy trì thường xuyên nên số lượng bạn đọc đến thư viện ngày càng ít. Để tăng cường đưa sách đến với bạn đọc, Thư viện huyện Thường Xuân đã kết nối với các trường học tổ chức các chương trình để học sinh đến tham quan và đọc sách. Thế nhưng, hoạt động này chưa đủ “sức hút” để khơi dậy sự đam mê đọc sách của các em học sinh.
Theo nhiều người dân, tủ sách, thư viện cơ sở chưa hấp dẫn người dân bởi đầu sách không phong phú, chủ yếu sách pháp luật, chủ trương, chính sách. Vị trí đặt tủ sách không thuận tiện cho người dân tiếp cận; không gian cho bạn đọc ngồi đọc sách hạn chế, hoạt động của thư viện thiếu sự đổi mới, hấp dẫn người dân. Bà Trần Thị Tâm, xã Yến Sơn (Hà Trung), cho biết: Tủ sách được đặt trong nhà văn hóa thôn, mà nhà văn hóa chỉ mở cửa khi hội họp hoặc những lúc chơi thể thao, văn nghệ. Do đó sách, báo chủ yếu được người già đọc khi đến đây họp hành. Còn trẻ em không đam mê bởi những cuốn sách pháp luật quá xa lạ với chúng và không hấp dẫn bằng các thiết bị thông minh.
Tình trạng hệ thống thư viện cơ sở hoạt động cầm chừng còn do ảnh hưởng trước sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội và cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Điều này đã khiến cho nhiều người thay thói quen đọc sách, báo bằng thói quen lướt mạng, điện thoại để tìm kiếm thông tin.
Trước thực trạng này, để thư viện đến gần với người dân, trước hết những người làm công tác thư viện, văn hóa cần nâng cao nhận thức về vai trò của thư viện, sách và văn hóa đọc; cần thay đổi tư duy, hành động trong triển khai việc đưa văn hóa đọc vào cộng đồng. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của sách, văn hóa đọc; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động xây dựng thư viện, làm mới kho sách và các mô hình thư viện cơ sở…
Bài và ảnh: Quỳnh Chi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hoat-dong-thu-vien-co-so-hai-mang-mau-sang-toi-223265.htm