Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành năm 2024 dự kiến tăng trên 19%
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong năm 2024 tiếp tục có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp công nghiệp đã thích ứng linh hoạt trước các biến động của thị trường, cơ bản duy trì và ổn định hoạt động sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) năm 2024 dự kiến tăng trên 19% so với cùng kỳ. Cụ thể, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn sau khi bảo dưỡng tổng thể năm 2023 đã duy trì vận hành liên tục, ổn định với hơn 100% công suất thiết kế, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng công nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh. Trong năm 2024, nhà máy tăng công suất sản xuất để bù đắp lại sản lượng xăng dầu cho thị trường khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạm dừng để bảo dưỡng tổng thể.
Lọc hoá dầu Nghi Sơn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng công nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh Hoàng Minh. |
Bên cạnh đó, nhóm ngành may mặc, da giày tiếp tục có nhiều khởi sắc. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 230 cơ sở sản xuất may mặc và da giày, tạo công ăn việc làm cho hơn 200.000 lao động. Đáng chú ý, trong năm 2024 các nhà máy đã ký được nhiều đơn đặt hàng sản xuất làm gia tăng hoạt động sản xuất. Dự báo trong năm 2025 nhóm ngành may mặc và da giày sẽ tiếp tục đà phục hồi và khởi sắc.
Đối với nhóm sản phẩm thép, từ đầu năm đến nay, Nhà máy gang thép Nghi Sơn (công suất 10,1 triệu tấn/năm) sản xuất ổn định và tăng trưởng nhẹ. Trong thời gian tới, dự báo thị trường thép cả nước và thế giới đều tiếp tục phục hồi, cùng với việc các dự án lớn như: Nhà máy thép DST Nghi Sơn, Nhà máy cơ khí Công nghệ cao Nghi Sơn đang tích cực được đầu tư, ngành sản xuất thép trong tỉnh có nhiều thuận lợi để duy trì ổn định và tăng trưởng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 19 nhà máy điện đang vận hành (02 nhà máy nhiệt điện, 13 dự án thuỷ điện, 01 nhà máy điện năng lượng mặt trời, 03 nhà máy điện sinh khối), các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, mặt trời hoạt động phát điện lên lưới điện quốc gia ổn định, điện thương phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, do đó sản xuất điện trong năm 2024 ổn định và tăng trưởng. Điện năng thương phẩm năm 2024 ước đạt 8,004 tỷ kWh, tăng 12,6% so với cùng kỳ, đạt 102,9% so với kế hoạch. Sản lượng điện sản xuất năm 2024 ước đạt 14,588 tỷ kWh, tăng 17,4% so với kế hoạch, tăng khoảng 9% so với năm 2023.
Đến nay, trên toàn tỉnh Thanh Hóa có 3 nhà máy sản xuất đường với tổng công suất 19.000 tấn mía/ngày. Trong đó, 2 nhà máy đang hoạt động là Nhà máy đường Lam Sơn công suất 10.500 tấn mía/ngày và Nhà máy Đường Việt Nam – Đài Loan công suất 6.000 tấn mía/ngày; riêng nhà máy đường Nông Cống công suất 2.500 tấn mía/ngày đã dừng hoạt động); 3 nhà máy và 2 cơ sở chế biến tinh bột sắn với tổng công suất theo thiết kế là 250 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, trong những năm qua, các dự án gặp khó khăn về vùng nguyên liệu, nguyên liệu không đáp ứng được công suất của các nhà máy nên sản lượng của các nhà máy có xu hướng giảm dần.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa năm 2024 dự kiến tăng trên 19% so với cùng kỳ. Ảnh: Hùng Mạnh. |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Huy Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính – Tổng hợp, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn còn những hạn chế, khó khăn, như một số sản phẩm công nghiệp truyền thống của tỉnh có sản lượng xu hướng giảm dần qua từng năm như: Bia, tinh bột sắn, phân bón,… chủ yếu do các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp truyền thống đa số có công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới cải tiến, tái cơ cấu; vùng nguyên liệu bị thu hẹp, chi phí sản xuất, hiệu quả thấp dẫn đến chất lượng và giá thành khó cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, việc thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp mới còn hạn chế, nhất là các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Chuẩn bị các giải pháp để sản xuất công nghiệp “bứt phá” trong năm 2025
Để sản xuất công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa “bứt phá” trong năm 2025, Sở Công Thương Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều nội dung quan trọng trong thúc đẩy phát triển công nghiệp, như Kế hoạch hành động về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướn mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động, tạo thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư, thức ăn chăn nuôi, phân bón phục vụ nông nghiệp; phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với khôi phục các nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới có thị trường tiêu thụ tốt, bền vững.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ các bất cập của quy hoạch liên quan so với quy hoạch tỉnh để cập nhật vào hồ sơ quy hoạch tỉnh điều chỉnh, đảm bảo đồng bộ, thuận lợi trong quá trình triển khai các quy hoạch phục vụ cho quá trình quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước các cấp của ngành và hoạt động đầu tư, xây dựng và sản xuất của các dự án được thông suốt. Tập trung đôn đốc, chỉ đạo và hướng dẫn thủ tục thành lập, đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ lấp đầy cụm công nghiệp, chú trọng phát triển các cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi, những khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư thứ cấp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lớn, trọng điểm được phân công.
Ngành may mặc, da giày tiếp tục có nhiều khởi sắc, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Ảnh: Hoàng Minh. |
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; triển khai đồng bộ các giải pháp, xây dựng các đề án kết nối doanh nghiệp sản xuất và phân phối, hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp. Bám sát hoạt động của doanh nghiệp, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tăng sản lượng, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.
“Ngành Công Thương Thanh Hóa sẽ bám sát tình hình triển khai, kịp thời tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án lớn có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng đang được giao và các dự án dự kiến được giao nhiệm vụ theo dõi gồm: Dự án dây chuyền 4 Xi măng Long Sơn; Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall; Dự án Nhà máy dệt nhuộm Ích Thắng; Dự án Nhà máy giày và phụ kiện ngành giày Thiệu Phú; phối hợp với Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa thuộc lĩnh vực công thương, tạo động lực cho tăng trưởng”. ông Lê Huy Tuấn cho hay.