Giám sát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần khẳng định vai trò, chức năng của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; đồng thời, là cơ sở để HĐND tỉnh nghiên cứu và quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh.
Ảnh minh họa.
Theo Điều 5, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định về “Thẩm quyền giám sát của HĐND”, thì HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cùng cấp; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và ban của HĐND cấp mình; giám sát quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp.
Trên cơ sở đó, căn cứ Quy chế làm việc và Chương trình công tác năm 2024, HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề kết quả việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM từ năm 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành kế hoạch, đề cương giám sát và tổ chức 2 đoàn giám sát trực tiếp tại 13 địa phương, đơn vị (gồm: UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã: Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Mường Lát, Quan Hóa, Đông Sơn, Như Xuân, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Nghi Sơn).
Cùng với đó, các Ban HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát và tổ chức giám sát trực tiếp tại 8 địa phương, đơn vị với 3 chuyên đề giám sát (gồm: Ban Pháp chế tiến hành giám sát về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh từ năm 2021-2023; Ban Văn hóa – Xã hội tiến hành giám sát về việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023; Ban Dân tộc giám sát về việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023).
Ngoài ra, theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Văn hóa – Xã hội đã tổ chức khảo sát trực tiếp 8 đơn vị, địa phương (Sở Y tế, TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn; các huyện: Nông Cống, Như Thanh, Yên Định, Triệu Sơn, Hoằng Hóa) về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023. Đồng thời, tổ chức khảo sát trực tiếp tại 4 địa phương về công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 tại một số di tích.
Đơn cử trong đó phải kể đến hoạt động giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023 (gọi tắt là Chương trình 1719). Theo đó, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn và tiến hành giám sát trực tiếp tại các huyện Quan Sơn, Như Thanh, Bá Thước, Thường Xuân, Thạch Thành và khảo sát tại một số công trình trên địa bàn các huyện. Đồng thời, làm việc trực tiếp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính… Ngoài ra, còn giám sát thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét các báo cáo của các địa phương là Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Xuân.
Kết quả giám sát cho thấy, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 1719 đã đạt được những kết quả tích cực. Chương trình đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 giảm xuống còn 11,05%; thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ước đến hết năm 2023 là 40,7 triệu đồng… Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Chương trình 1719 cũng đang cho thấy những hạn chế như công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn rất chậm; tiến độ giải ngân vốn đầu tư và vốn sự nghiệp của một số dự án chậm so với yêu cầu, có dự án, tiểu dự án thành phần tiến độ giải ngân rất thấp. Nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình theo quy định chưa được quan tâm, bố trí. Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của các sở, ban, ngành đối với các địa phương có lúc có nơi chưa kịp thời, chưa tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở một số dự án khi triển khai tại địa phương, cơ sở…
Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc HĐND đã nắm bắt kiến nghị, đề xuất của các ngành, địa phương, đơn vị lên các cấp có thẩm quyền như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định liên quan đến việc triển khai Chương trình 1719. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cân đối bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện chương trình; yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị được giao chủ trì dự án, tiểu dự án thành phần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình với kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân lãnh đạo quản lý hằng năm…
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các ban của HĐND tỉnh luôn được quan tâm và ngày càng thực chất hơn. Nội dung được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, bao quát trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phương thức giám sát cũng thường xuyên đổi mới, nhằm bảo đảm cho hoạt động giám sát không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua quá trình theo dõi, đôn đốc, giám sát, các cấp, các ngành đã có sự phối hợp khá chặt chẽ trong tổ chức thực hiện các kiến nghị; nhiều tồn tại, hạn chế đã được khắc phục, một số hạn chế kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri… Việc thực hiện tốt chức năng giám sát, đã và đang góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Khôi Nguyên
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hoat-dong-giam-sat-ngay-cang-nbsp-thuc-chat-va-hieu-qua-220408.htm