Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, huyện Hoằng Hóa đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng, phát huy lợi thế của từng vùng, quan tâm vùng đồi và vùng biển. Trên cơ sở quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, UBND huyện Hoằng Hóa đã tổ chức lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở để triển khai thực hiện và quản lý quy hoạch. Công tác mời gọi, thu hút đầu tư được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực: Đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn về đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn như: Cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa thu hút được 7 nhà đầu tư; cụm công nghiệp Thái Thẳng thu hút được 2 nhà đầu tư. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 3 năm (2021 – 2023) ước đạt trên 21 nghìn tỷ đồng, đạt 70,26% kế hoạch nhiệm kỳ đã đề ra.
Là công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng chân tại cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa, với sự tạo điều kiện của chính quyền huyện Hoằng Hóa về đất đai để xây dựng nhà xưởng, các thủ thục pháp lý và công tác tuyển lao động, Công ty Sakurai Việt Nam đã đi vào sản xuất giai đoạn 1, giai đoạn 2 với quy mô 500 công nhân chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Năm 2024, công ty dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động giai đoạn 3 của nhà máy và tạo việc làm cho khoảng 700 lao động tại địa phương.
Ông Kimura Masanori, Trợ lý Phó Tổng giám đốc Công ty Sakurai Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Công ty của chúng tôi trụ sở chính là ở Khu công nghiệp Lễ Môn với quy mô 12 nghìn lao động. Chúng tôi có nhiều đơn hàng xuất khẩu và Cụm Công nghiệp Bắc Hoằng Hóa là điểm lý tưởng để chúng tôi xây dựng cơ sở 2, ở đây có vị trí giao thông thuận tiện, hạ tầng tốt, nhân lực dồi dào và đặc biệt là chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp về mọi mặt, nhất là thủ tục hành chính và thông tin tuyển dụng. Đây là điều kiện để chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và đưa công ty phát triển vững mạnh”.
Cùng với việc cải thiện môi trường và thu hút đầu tư, huyện Hoằng Hóa đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn ngân sách từ trung ương đến địa phương khoảng hơn 3.150 tỷ đồng để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, giải ngân kịp thời đảm bảo tiến độ mang lại hiệu quả rõ rệt. Một số dự án lớn, trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng, như: Đường từ ngã tư đèn đỏ Hoàng Minh đến ngã tư Gòng: Đường Thịnh – Đông (giai đoạn 1; giai đoạn 2); Đường Quỳ – Xuyên, đường Kim – Quỳ, đường Quốc lộ 1A đi khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hoá (giai đoạn 2), Đường giao thông từ cầu Bút Sơn đi Quốc lộ 10 (tại xã Hoằng Vinh)…; Đáng chú ý, trong quá trình thu hút đầu tư để phát triển, huyện Hoằng Hóa đã xây dựng, ban hành một số cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư theo hướng tập trung vào các dự án thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm và đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thành lập doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch trong quy hoạch, thủ tục hồ sơ, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư.
Ông Lê Anh, Giám đốc công ty TNHH thực phẩm và TMDV Lê Gia, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: “Từ quy hoạch sử dụng đất, xây dựng nhà máy này, lãnh đạo huyện khi đó có chia sẻ với chúng tôi rằng nếu khu đất này mà đi đấu giá làm đất ở thì nhà nước có thể thu tiền ngay nhưng mà cho Lê Gia thuê thì nhà nước có thể thu thuế nhiều đời, hàng trăm năm, đấy là tư duy mà chúng tôi thấy thể hiện rõ nét nhất cho chính sách kiến tạo phát triển của huyện và từ những doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi sẽ lan toả chuỗi giá trị sản xuất”.
Anh Hoàng Khắc Nam, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tuấn Linh, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Trong quá trình thực hiện các dự án, vấn đề thủ tục, giái phóng mặt bằng được chính quyền địa phương rất hỗ trợ để công ty thi công tốt nhất”.
Hiện trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có hơn 1 nghìn doanh nghiệp. Thời gian qua, cùng với việc chủ động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, huyện dành thời gian đưa doanh nghiệp đi khảo sát địa điểm, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và cam kết đồng hành với họ suốt quá trình đầu tư. Tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, như: tư vấn chính sách của tỉnh, giải quyết kịp thời hồ sơ, thủ tục theo thẩm quyền, hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động, cùng doanh nghiệp giải quyết vướng mắc trong quá trình đầu tư…
Anh Nguyễn Tiến Đức, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Các đồng chí lãnh đạo đã lắng nghe tiếng nói của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện các thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư, đất đai…”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Huyện sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã thực hiện tốt trong thời gian qua, trong đó đặc biệt chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quy hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, thường xuyên đối thoại giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp”.
Với những hướng đi đúng đắn của các cấp chính quyền cùng sự đồng lòng của Nhân dân, tin rằng huyện Hoằng Hóa sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển theo hướng bền vững.
Nguồn: Chuyên mục Thông tin đối ngoại ngày 06/6/2024