Với nhiều tiềm năng, thế mạnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Hoằng Hóa đã phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn, với nhiều mô hình hiệu quả… Kế thừa những thành quả đó, Hoằng Hóa đang tiếp tục hành trình phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và bền vững.
Diện tích sản xuất rau màu tập trung, quy mô lớn tại xã Hoằng Lưu.
Trên cánh đồng sản xuất bí đỏ tập trung xã Hoằng Lưu, thời gian qua, việc đưa các loại máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất đã phần nào giải quyết được việc thiếu lao động như trước đây. Đồng chí Lê Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu cho biết: Xã đã vận động người dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ tập trung đất đai để doanh nghiệp thuê đất, hình thành vùng sản xuất luân phiên các loại cây trồng như bí đỏ, khoai tây, bí xanh, đậu tương, rau màu các loại… Với diện tích hơn 21ha, Công ty TNHH Đầu tư và xây lắp Xuân Minh đầu tư các loại máy móc hiện đại vào các khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản… Nhất là lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương tự động đã đem lại nhiều ưu điểm, như bớt được công lao động, nước được tưới theo dạng hạt nhỏ, mịn, nhẹ và đều từ lá đến thân, gốc cây, không gây hư hại mà lại thấm sâu trong đất, giúp cây trồng thường xuyên đủ ẩm để sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Bên cạnh đó, toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch đều được doanh nghiệp bao tiêu với giá đã được cam kết trong hợp đồng.
Xác định phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu, huyện Hoằng Hóa đã chú trọng thực hiện tích tụ, tập trung gần 400ha hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như vùng sản xuất giống lúa lai F1, sản xuất súp lơ xanh, bắp cải, cà rốt, khoai tây… Bên cạnh đó, gần 450ha diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao, hơn 200ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 4,5ha nhà màng, nhà lưới trồng các loại dưa Kim hoàng hậu, dưa chuột baby, rau an toàn… Hiện nay, nhiều xã cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mạ khay cấy máy, ứng dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Nhất là người dân bước đầu đã làm quen với chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp với các trang trại trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn được lắp đặt các loại máy móc hiện đại, camera giám sát để ghi lại thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, mã QR để truy xuất nguồn gốc, có hệ thống ăn, uống nước tự động, máy cảm biến kiểm soát nhiệt độ chuồng nuôi, lò ấp trứng cũng được tự động hóa… Từ đó, đã hạn chế được chi phí thuê nhân công, bảo đảm được chất lượng sản phẩm, an toàn dịch bệnh…
Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng là lĩnh vực lợi thế của các xã ven biển khi có hơn 2.816ha nuôi trồng. Trong đó, hơn 1.438ha nuôi tôm sú, 304ha tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại các xã Hoằng Yến, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong… đã áp dụng khoa học- kỹ thuật, đầu tư xây dựng hệ thống ao lắng cung cấp nước cho ao nuôi và ao lắng để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường; thực hiện quản lý các yếu tố môi trường, lượng thức ăn qua ứng dụng phần mềm trên điện thoại… Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, huyện đã huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi đã đáp ứng được 80 – 85% nhu cầu tưới, tiêu nước; giao thông nội đồng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển vật tư sản xuất và thu hoạch. Tại các vùng sản xuất tập trung, 100% diện tích cây trồng đã được tưới tiêu chủ động, hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ…
Huyện Hoằng Hóa phấn đấu đến năm 2025, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đạt 1.250ha; 880ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao; 200ha diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Trọng Hòa cho biết: Dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Hoằng Hóa tiếp tục đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, phát triển các vùng sản xuất tập trung… Đồng thời, tích cực chuyển giao khoa học – kỹ thuật, tiếp thu và ứng dụng các quy trình công nghệ hiện đại trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, chú trọng ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến trong bảo quản nông sản, làm giảm tỷ lệ hao hụt sau khi thu hoạch như công nghệ sấy nông sản; công nghệ sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả tươi quy mô tập trung… Mặt khác, khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học – kỹ thuật, đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, tự động hóa sản xuất với những loại cây trồng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bài và ảnh: Lê Ngọc