Đi đôi với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong quá trình XDNTM nâng cao, kiểu mẫu, làng nghề và các ngành nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân ở huyện Hoằng Hóa. Đây không những là một nguồn nội lực giúp huyện phát triển kinh tế – xã hội, mà còn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong XDNTM.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ Hòa Hiếu tại xã Hoằng Đạt.
Nghề mộc xã Hoằng Đạt nổi tiếng với hơn 200 hộ tham gia, tập trung tại làng Hạ Vũ. Với nhu cầu ngày càng cao của thị trường nói chung, nghệ nhân của làng luôn cố gắng tìm tòi học hỏi để cho ra những sản phẩm có giá trị cao cả về mặt thẩm mỹ lẫn kinh tế. Các sản phẩm đa dạng từ bàn ghế, sập, giường, tủ, đồ mỹ nghệ… đều được điêu khắc vô cùng tỉ mỉ và hợp thời, từ đó tạo nên thương hiệu riêng cho mỗi hộ sản xuất, thu hút nhiều khách hàng lẫn khách tham quan. Là một trong số những người “đi cùng” nghề lâu năm, ông Nguyễn Văn Hòa, chủ cơ sở đồ gỗ Hòa Hiếu, xã Hoằng Đạt cho biết: “Trước đây khi nghề mộc ở địa phương chỉ mang tính tự phát thì những sản phẩm làm ra khá đơn điệu, không có tính thu hút nên không mang lại giá trị kinh tế cao khiến nhiều cơ sở chỉ duy trì để “cầm chừng”. Tuy nhiên, sau khi được công nhận làng nghề, nhiều hộ sản xuất như gia đình tôi cũng đã nghiêm túc học hỏi để mang đến cho khách hàng những sản phẩm đẹp và chất lượng nhất”. Sau gần 20 năm theo đuổi nghề, đến nay ông Hòa đã có một cơ sở sản xuất, chế tác rộng gần 400m2 và một cửa hàng trưng bày mang lại doanh thu 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.
Để duy trì, bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với XDNTM nâng cao, theo ông Nguyễn Viết Diện, Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt: “Những năm qua, chính quyền xã đã nỗ lực thực hiện nhiều chính sách để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống như hỗ trợ về vốn, mặt bằng, thông tin; đồng thời tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ cho làng nghề để thu nhập của người dân được nâng cao hơn. Từ đó phát huy triệt để giá trị mà làng nghề mang lại, tạo tiền đề giúp địa phương hoàn thiện các tiêu chí trong XDNTM nâng cao”.
Tính đến nay, huyện Hoằng Hóa đã có 7 làng nghề truyền thống, nhiều ngành nghề đang được duy trì phát triển tốt và mang lại thu nhập ổn định như: nghề mây tre đan tại 9 xã với doanh thu ước đạt hơn 50 tỷ đồng/năm; nghề mộc thu hút hơn 3.000 lao động tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện, tạo thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Có thể nói, việc phát triển và gìn giữ làng nghề đã mang lại giá trị to lớn, đây được xem là “sợi nối” quan trọng trong chương trình XDNTM của huyện. Việc XDNTM gắn với xây dựng ngành nghề nông thôn là một trong những giải pháp để cải thiện tình hình kinh tế cho địa phương, giúp gia tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.
Để thúc đẩy phát triển các ngành nghề nông thôn góp phần XDNTM nâng cao, huyện Hoằng Hóa tiếp tục khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, sáng tác mẫu mã sản phẩm hàng hóa và hỗ trợ đào tạo thợ có tay nghề cao. Hỗ trợ khôi phục các làng nghề, nghề truyền thống và sản phẩm truyền thống có xu hướng phát triển tốt của địa phương. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm ngành nghề nông thôn, nâng cao thị phần cho ngành công nghiệp nông thôn.
Bài và ảnh: Chi Phạm