Đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng và nhu cầu thị trường, huyện Hoằng Hóa đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao của hộ gia đình ông Nguyễn Trọng Đạt ở xã Hoằng Đạt.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với các hình thức nuôi trước đó, năm 2017 ông Nguyễn Trọng Đạt, thôn Tam Nguyên, xã Hoằng Đạt quyết định chuyển hướng đầu tư sang nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao (CNC). Toàn bộ diện tích 2,4 ha vùng ngoại đê được ông cải tạo, đầu tư, xây dựng thành 6 ao nuôi. Công nghệ nuôi tôm được gia đình ông áp dụng thực hiện theo 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn từ 25 – 30 ngày. Với hình thức nuôi này, lợi nhuận thu về mỗi năm đạt gần 1 tỷ đồng. Hiện nay ông Đạt mới thả tôm lứa ba để xuất bán phục vụ nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt Hoàng Hữu Chính cho biết, trong số 130 ha NTTS của địa phương có 2,4 ha của gia đình ông Nguyễn Trọng Đạt nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ nhà lưới. Diện tích còn lại nuôi tôm, cua, cá được bà con nuôi theo hình thức quảng canh, bán thâm canh và thâm canh. Tuy diện tích nuôi theo hình thức CNC trên địa bàn xã chưa nhiều, nhưng đã đóng góp đáng kể vào sản lượng NTTS hàng năm đạt 190 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng gần 6 tỷ đồng. Riêng nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ nhà lưới cho thu nhập cao và ổn định, đạt hàng trăm triệu đồng/năm.
Diện tích NTTS của huyện Hoằng Hóa hiện nay là 2.816 ha. Trong đó, diện tích nước ngọt 1.050 ha, diện tích nước lợ 1.742,4 ha (nuôi tôm sú: 1.438 ha, tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh, ứng dụng CNC: 304.4 ha) và diện tích nước mặn (nuôi ngao) 18 ha. Để nâng cao giá trị NTTS, huyện đã tập trung phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà lưới với tổng diện tích hơn 304,4 ha. Hình thức nuôi tôm này hiện đã phát triển ở 17 xã, trong đó tập trung diện tích lớn nhất tại các xã Hoằng Yến, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong… Theo các hộ nuôi, mỗi ha nuôi theo mô hình siêu thâm canh trong nhà lưới từ 3 vụ trở lên sẽ đạt năng suất từ 120- 150 tấn, cho thu nhập tăng gấp 4 – 5 lần so với nuôi thâm canh thông thường.
Hiệu quả từ việc nuôi này đã góp phần nâng cao sản lượng NTTS của huyện qua các năm. Năm 2022 sản lượng NTTS của huyện đạt 7.827 tấn và 9 tháng năm 2023 đã là 5.997 tấn, đạt 85% kế hoạch. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa Lê Bá Quyết cho rằng, ngoài đảm bảo diện tích NTTS, 3 tháng cuối năm 2023 huyện sẽ nâng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà lưới từ 304,4 ha lên 310 ha. Đồng thời, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng CNC hoặc theo hướng CNC; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ hoặc tương đương.
Huyện cũng triển khai, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ ứng dụng CNC trong nuôi tôm thẻ chân trắng theo tinh thần Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Thực hiện tốt công tác khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, định hướng phù hợp với từng hình thức, đối tượng con nuôi và của từng trang trại theo hướng quản lý an toàn sinh học, đảm bảo môi trường vùng nuôi để phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Minh Lý