Xác định việc phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC nhằm đem lại những sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường và mang lại thu nhập cho nông dân.
Mô hình dưa Kim Hoàng hậu theo hướng CNC tại HTX Dịch vụ nông nghiệp CNC Hoằng Đạt.
Là một trong những mô hình đáng để học hỏi về cách áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, anh Lê Ngọc Nam ở thôn Hạ Vũ 1 đã lên ý tưởng và quyết tâm để thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp CNC Hoằng Đạt với mong muốn xây dựng những cánh đồng lớn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Thành lập từ năm 2019, ban đầu HTX chủ yếu trồng một số rau, quả như dưa vàng, cà chua, rau cải, dưa chuột… cây trồng không phát triển đều, hiệu quả kinh tế thấp, cùng với đó chi phí thuê nhân công lớn, thời gian canh tác lâu. Từ hạn chế trên, anh Nam đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới vào sản xuất. Theo anh Nam, tuy bước đầu có chút gian nan khi không có nhiều tiềm lực về vốn, nhưng về lâu dài, việc phát triển nông nghiệp theo hướng CNC sẽ góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Anh Nam cho biết: “Từ khi bắt đầu lựa chọn dưa Kim Hoàng hậu làm cây trồng chủ lực, tôi có nhiều băn khoăn. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng kỳ công chăm sóc, cuối cùng lứa dưa đầu tiên đã cho thu hoạch được 5.000 quả. Quả dưa tròn trịa, vị ngọt theo đúng ý nguyện của tôi. Từ thành quả ban đầu, HTX đã mở rộng sản xuất. Trung bình một vụ, HTX xuất bán ra thị trường từ 2 đến 3,5 tấn dưa, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đem lại khoảng 40%. Sau khi thu hoạch, dưa được cung cấp tại các đầu mối lớn trong tỉnh như siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa và nhiều cửa hàng hoa quả sạch khác. Hiện HTX đang tập trung chăm sóc dưa để chuẩn bị phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới”.
Có thể nói, việc áp dụng CNC vào sản xuất như trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới hay lắp quạt, phun sương, tích hợp hệ thống tưới tự động… đều hạn chế được những tác động bất lợi của thời tiết và tránh được các loại côn trùng xâm nhập tạo nên mầm bệnh có hại cho cây trồng cũng như sức khỏe con người. Hơn nữa, mô hình này sẽ trồng được các loại rau màu trái vụ giúp đa dạng các loại cây trồng và còn tăng được giá trị kinh tế. Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như của anh Nam chính là minh chứng sinh động, góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng CNC trên quê hương Hoằng Đạt.
Phó Chủ tịch HĐND xã Vũ Đình Tuân cho biết: Việc ứng dụng CNC, quy mô lớn trong sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo ra những đột phá lớn cho ngành nông nghiệp của xã. Chính vì thế, năm 2024 xã đã đặt mục tiêu có thêm 2 ha diện tích sản xuất ứng dụng CNC. Đặc biệt, để lĩnh vực nông nghiệp được phát triển bền vững, tạo ra giá trị cho tương lai lâu dài rất cần “cánh tay” đắc lực của các doanh nghiệp, cá nhân có tâm và có tầm cùng hướng tới một mục đích là đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo nên thương hiệu riêng cho nông nghiệp của xã Hoằng Đạt nói riêng và toàn huyện Hoằng Hóa nói chung. Chỉ khi mà tất cả các bên cùng vào cuộc và quyết tâm, thì khi đó nông nghiệp CNC, quy mô lớn mới thực sự phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Chi Phạm