Sau 2 năm triển khai kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong việc cải thiện, nâng tầm kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, nhìn tổng thể hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng. Thực trạng này đang đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần nhận diện rõ những thách thức trong hành trình kiến tạo “bộ khung” cho sự phát triển.
Đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 đoạn qua xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) đang được triển khai thi công.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 đạt 409.287 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Từ vốn ngân sách Nhà nước kết hợp “dòng” nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nhiều dự án hạ tầng lớn thuộc các lĩnh vực giao thông, cấp điện, hồ đập thủy lợi, đê điều, công nghệ thông tin, đô thị… đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực cho kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Mặc dù vậy, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Trong báo cáo sơ kết tình hình triển khai kế hoạch hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu, đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và khu vực miền núi. Đáng nói hơn, các công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng như giao thông, thủy lợi, hạ tầng thương mại, KCN, CCN, đô thị có quy mô vừa và nhỏ. Trong khi những công trình hạ tầng quy mô lớn, có tính kết nối các vùng miền cao lại chưa nhiều. Đồng thời, việc triển khai thực hiện các dự án phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tiến độ chậm so với yêu cầu.
Nhìn vào tổng thể bức tranh kết cấu hạ tầng của tỉnh, điều dễ nhận thấy là hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ, chậm kết nối. Điều đó có một phần từ tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Còn nhớ, vào cuối năm 2022, tại hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ, tham vấn và đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đội ngũ trí thức, kỹ sư Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội Cầu đường Thanh Hóa, cho rằng: “Do có vị trí chiến lược về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của quốc gia nên Thanh Hóa có mạng lưới giao thông tương tối dày. Hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có quốc lộ đi qua. Bên cạnh đó còn có hệ thống cảng biển, cảng sông, cảng hàng không. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông – vận tải trên địa bàn vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hệ thống hạ tầng phục vụ kết nối các phương thức vận tải như cảng cạn, kho bãi hàng hóa, trung tâm logistics chưa có. Việc khai thác thế mạnh tiềm năng cảng biển, kết nối dịch vụ với các tỉnh lân cận và nước bạn Lào chưa hiệu quả”. Cùng với giao thông, hạ tầng đô thị của tỉnh cũng chậm phát triển và “khan hiếm” các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội hóa như phát triển hạ tầng cung cấp nước sạch, xử lý rác thải. Qua khảo sát của tỉnh, hiện nay hầu hết các đô thị chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy hoạch. Đi liền với kết quả thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại còn thấp so với mục tiêu đề ra thì hầu hết hạ tầng thương mại, dịch vụ trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thực hiện chương trình “Phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại và xây dựng thành phố thông minh, giai đoạn 2021-2025” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Sầm Sơn, nhiệm kỳ 2020-2025, UBND thành phố đã triển khai lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn. Đồng thời thường xuyên đôn đốc, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm để đề ra các biện pháp điều chỉnh kịp thời thực hiện tốt chương trình. Theo báo cáo của UBND TP Sầm Sơn, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ triển khai thực hiện 71 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tương đương tổng mức đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã qua nửa nhiệm kỳ, trên địa bàn TP Sầm Sơn mới có 3 dự án, 14 đồ án quy hoạch hoàn thành, 19 dự án đang triển khai thực hiện, 28 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 20 dự án chưa thực hiện. Qua đánh giá, kết quả của chương trình “Phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại và xây dựng thành phố thông minh, giai đoạn 2021-2025” chưa được như kỳ vọng bắt nguồn từ nhiều “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai, thực hiện. Đơn cử, như: Một số tuyến đường 4C, 4B, trục cảnh quan TP Thanh Hóa – Sầm Sơn có chồng lấn với công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, cần điều chỉnh cục bộ quy hoạch để cập nhật cho phù hợp với điều kiện thực tế dẫn tới thời gian lập, phê duyệt còn chậm. Ngoài ra, công tác lập, phê duyệt quy hoạch cần xin ý kiến nhiều ban, ngành phối hợp, tổ chức nhiều hội nghị báo cáo, vì vậy dẫn tới thời gian lập, phê duyệt thường vượt so với quy định. Cùng với đó, một số bất cập, phát sinh trong giải phóng mặt bằng, sắp xếp lại dân cư và đầu tư kết nối hạ tầng, bổ sung các chức năng sử dụng đất cũng là một trong những tồn tại kéo chậm tiến độ triển khai của các dự án.
Cầu vượt sông Mã thuộc dự án đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 đoạn từ xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa).
Đi liền với những tồn tại đang bộc lộ ở hạ tầng đô thị, giao thông, việc thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn. Bên cạnh các KCN, CCN có tỷ lệ lấp đầy cao thì tại một số KCN trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN Thạch Quảng, Ngọc Lặc, Bãi Trành vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Bức tranh thu hút đầu tư chưa thực sự hoàn hảo khi còn nhiều KCN, CCN chưa được đầu tư đồng bộ, tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng còn chậm, chưa có sẵn diện tích lớn, mặt bằng sạch đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Với việc nêu rõ những “điểm nghẽn” trong đầu tư phát triển hạ tầng, UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ việc huy động vốn từ các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Các chương trình, dự án ODA triển khai chậm từ khâu chuẩn bị dự án đến khâu tổ chức thực hiện. Đồng thời, các dự án theo hình thức trong danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh chưa được nhà đầu tư quan tâm… chính là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng giai đoạn năm 2021-2025. Song song với đó, trong nội tại phát triển của tỉnh còn những hạn chế đáng lưu tâm. Đó là sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện có lúc, có việc chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt. Người đứng đầu ngành, địa phương chưa làm hết trách nhiệm, vai trò, cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của địa phương còn yếu kém nên chưa thể tập trung nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm, nổi bật để tạo sức đột phá. Ngoài ra, công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế.
Đối diện với thách thức, thậm chí lấy thách thức làm động lực phấn đấu, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng. Đồng thời thực hiện phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” – nguồn lực từ ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng của tỉnh, có sức lan tỏa thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cảng biển, dịch vụ, thương mại… Qua đó góp phần tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
Bài và ảnh: Trần Thanh
Bài cuối: Nắm bắt thời cơ để đột phá.