Những năm qua Hội Làm vườn và Trang trại (LV&TT) tỉnh đã chú trọng nghiên cứu, chuyển giao, hỗ trợ hội viên và bà con nông dân các địa phương ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học được hầu hết người chăn nuôi trên địa bàn huyện Đông Sơn ứng dụng.
Trong điều kiện dịch bệnh trên đàn gia cầm diễn biến phức tạp, Hội LV&TT huyện Đông Sơn đã chú trọng hướng dẫn hội viên và người chăn nuôi các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, phương pháp dễ áp dụng, được người dân lựa chọn là chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.
Chủ tịch Hội Nguyễn Chí Cường cho biết: Hằng năm huyện hội thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên, người dân và tổ chức các buổi tham quan các trang trại đã ứng dụng thành công và mang lại hiệu quả rõ rệt. Phương pháp này sử dụng nguyên liệu dễ tìm như trấu và mùn cưa, sử dụng men vi sinh Balasa N01 phối trộn cùng cám gạo và bột bắp… Những nguyên liệu này dễ dàng tìm mua trên thị trường, chi phí làm đệm lót có giá thành thấp. Từ đó, sẽ tạo ra vi sinh vật có ích cấu tạo thành sợi men giúp phân hủy chất thải trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, hội luôn lắng nghe ý kiến để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các hội viên trong quá trình áp dụng. Hiện nay có khoảng 80% hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Ngoài ra, huyện hội còn hướng dẫn hội viên áp dụng khoa học – kỹ thuật trong trồng trọt với các phương pháp chiết, ghép cành cây ăn quả, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng hoa, rau an toàn trong nhà lưới, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP…
Trong những năm qua, Hội LV&TT Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức khoảng 1.790 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật thông qua các chương trình, dự án, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, chuyển giao nhiều kiến thức bổ ích cho hội viên và người dân. Một số phương pháp được người dân chú trọng áp dụng vào sản xuất như: kỹ thuật nuôi ong lấy mật, kỹ thuật trồng và chăm sóc đào cảnh, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây ăn quả, quy trình xử lý chất thải và khử mùi hôi chuồng trại bằng chế phẩm sinh học, quy trình làm đệm lót nuôi gà bằng chế phẩm Balasa-NO1, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải…
Bên cạnh đó, một số giống cây, con có năng suất, hiệu quả kinh tế cao đã được hội khuyến khích hội viên đưa vào sản xuất như thanh long ruột đỏ LD1, nhãn lồng Hưng Yên, ổi, cây dược liệu và các giống cây trồng mới như mắc ca, na thái, nho, bơ, chanh leo… Đồng thời, chuyển giao một số kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả như ghép lai tạo, cưa đốn làm trẻ hóa gốc ghép, kỹ thuật đốn tỉa tạo hình, tạo tán cho cây thoáng, tận dụng ánh sáng, kỹ thuật kích thích ra hoa đúng vụ và trái vụ. Hội đã hỗ trợ các huyện hội Yên Định, Thọ Xuân, Quảng Xương… xây dựng một số mô hình nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi ốc nhồi, chăn nuôi gia cầm tập trung, nuôi cá lóc, cải tạo tầm vóc dê địa phương bằng dê đực giống Boer và một số mô hình mới như trồng nho sữa, bưởi hoàng, hoa mẫu đơn…
Hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, hội đã phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp cung cấp nguồn chế phẩm sinh học hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, không chất thải ứng phó với biến đổi khí hậu. Ứng dụng chế phẩm sinh học EM, biovac… trong xử lý chất thải, nuôi trồng thủy sản, làm phân bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Không chỉ tích cực chuyển giao, hướng dẫn khoa học – kỹ thuật cho hội viên, người dân, Hội LV&TT tỉnh còn chủ động thực hiện, xây dựng mô hình gieo cấy lúa thảo dược, nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo thành công, mở ra cơ hội nghề mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên.
Từ hiệu quả của việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, thời gian tới Hội LV&TT tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao, hỗ trợ hội viên ứng dụng vào sản xuất thực tế để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, thuận thiên, công nghệ cao, công nghệ sinh học, tưới nước tiết kiệm, sản xuất trong nhà màng, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, hầm biogas…
Bài và ảnh: Lê Ngọc