Tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Qua đó không chỉ tăng giá trị kinh tế rừng trồng mà còn đảm bảo các giá trị bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững.
Rừng trồng theo chuẩn FSC cho ra các sản phẩm gỗ chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Toàn tỉnh hiện có gần 56 nghìn ha rừng gỗ lớn. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cho phép hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu từ rừng.
Việc phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn, ngoài bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất, còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với trồng rừng gỗ lớn, trong chu kỳ 7 năm từ khi trồng đến khi khai thác, mỗi ha cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Bên cạnh đó, khi tham gia trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC, các hộ dân còn được tập huấn nâng cao kiến thức trồng rừng, bảo vệ môi trường rừng và đất.
Ông Lưu Quang Anh, thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn (Thạch Thành) có 2ha trồng keo tai tượng được tham gia vào nhóm chứng chỉ rừng FSC. Sau khi được tham gia ông đã được hỗ trợ mua cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, bón phân, chăm sóc.
Ông Anh chia sẻ: “Trước kia gia đình trồng rừng tự do, chưa chú trọng đến chất lượng giống cây trồng hay kỹ thuật chăm sóc nên cây trồng cho năng suất thấp, giá bán không ổn định, thậm chí bị các thương lái ép giá. Sau khi chuyển sang trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, gia đình đã chăm sóc theo đúng quy trình, kỹ thuật, cây keo vì thế cũng phát triển tốt hơn, chất lượng gỗ tốt. Sau khi khai thác bán gỗ tôi thu về được 280 triệu đồng. Trừ chi phí khai thác, vận chuyển còn lãi 190 triệu đồng, tăng 50 triệu đồng so với trước khi tham gia chứng chỉ FSC”.
Ông Phạm Thành Đồng, giám đốc HTX quản lý rừng bền vững Thạch Thành, cho biết: “HTX cam kết tuân thủ quy trình, quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững theo chuẩn FSC, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn và giảm tác động tới môi trường, tạo việc làm, thu hút lao động tham gia các hoạt động lâm nghiệp. Góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn nước, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn”.
Là đơn vị thực hiện chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng cho người dân trên địa bàn huyện Thạch Thành, Công ty CP Xuân Sơn đã xây dựng diện tích rừng tham gia chứng chỉ FSC của các hộ trồng cây keo tại 11 xã. Đồng thời, mở các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, khai thác rừng và mời các tổ chức quốc tế về đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho các hộ. Ông Trịnh Thái Sơn, Giám đốc công ty, cho biết: “Chúng tôi phối hợp với HTX quản lý rừng bền vững Thạch Thành hỗ trợ người dân trồng rừng tham gia chứng chỉ rừng FSC về các khóa đào tạo, tập huấn liên quan đến kỹ thuật lâm sinh, như: tập huấn về giống cây trồng, trồng chăm sóc, khai thác bảo đảm an toàn lao động, về kỹ thuật xử lý thực bì đốt có kiểm soát. Đồng thời cam kết mua lại cây gỗ với giá cao hơn từ 5 – 10% so với giá thị trường.
Khảo sát thực tế cho thấy, huyện Thạch Thành có hơn 1.500 hộ đang trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC với tổng diện tích hơn 3.200ha. Thạch Thành cũng là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh tổ chức liên kết trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC.
Tại huyện Lang Chánh, đến nay có 3.828,8ha rừng trồng sản xuất của Nhân dân được cấp chứng chỉ FSC với 662 hộ trồng rừng tham gia. Trong quá trình triển khai xây dựng chứng chỉ FSC, các hộ dân đã liên kết với Công ty TNHH Tập đoàn Đại Phát để xây dựng chứng chỉ, cam kết duy trì thực hiện theo các quy định nhằm đảm bảo chứng chỉ phát huy hiệu quả. Đến nay, nhiều hộ dân được quy hoạch cấp chứng chỉ đã bước vào khai thác rừng trồng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Công ty TNHH Tập đoàn Đại Phát thường thu mua nguyên liệu từ các hộ có chứng chỉ cao từ 7 – 10% so với giá thị trường.
Ông Lê Quang Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cho biết: Việc xây dựng chứng chỉ kinh doanh rừng bền vững FSC được huyện ưu tiên, hướng đến hình thành vùng nguyên liệu FSC đối với toàn bộ diện tích rừng trồng của huyện. Dự kiến đến năm 2030 có 6.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Huyện khuyến khích doanh nghiệp chế biến phối hợp, hỗ trợ người dân xây dựng chứng chỉ, hình thành vùng nguyên liệu; cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ về mặt pháp lý, quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy. Huyện cũng tiến hành giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện, kịp thời điều chỉnh những bất cập khi mới phát sinh, đôn đốc công ty, nhà máy chế biến thực hiện nghiêm cam kết với người trồng rừng.
Trong giai đoạn 2016-2024, tỉnh Thanh Hóa có trên 28.000ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC với trên 4.600 hộ tham gia; tập trung ở các huyện Thạch Thành, Thường Xuân, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Quan Sơn, Vĩnh Lộc… Nhờ được cấp chứng chỉ FSC cũng như phát triển các mô hình sinh kế, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên 125.000ha; có thêm 25.000ha rừng trồng gỗ và 10ha rừng tre, luồng, vầu được cấp chứng chỉ FSC.
Bài và ảnh: Anh Tuân
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hieu-qua-tu-trong-rung-theo-tieu-chuan-quoc-te-fsc-235581.htm