Năm 2020, cùng với nguồn vốn gia đình, ông Nguyễn Văn Tiến, thôn Phúc Mỹ, xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay 50 triệu đồng. Có vốn, ông Tiến đầu tư phát triển kinh tế trang trại trồng cây ăn quả. Ngoài được hỗ trợ lãi xuất khi vay vốn, ông còn được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về cắt ghép cây ăn quả.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông đầu tư hệ thống tưới phun sương theo công nghệ Israel. Nhờ biết cách chăm sóc, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nên mô hình trồng cây ăn quả của ông Tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm 2023, ông Tiến thu lãi trên 130 triệu đồng. Không chỉ trả lãi đúng kỳ hạn, ông còn có nguồn vốn để duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Tiến, thôn Phúc Mỹ, xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Được sự hỗ trợ của Hội nông dân xã giới thiệu, chúng tôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư hệ thống nước tưới tiêu mùa hè nắng hạn, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương. Nhờ vậy, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.”
Để nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được đầu tư đúng đối tượng, phát huy được hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cho các cấp hội nông dân cơ sở khảo sát thực tế nhu cầu vay vốn của các hộ, ưu tiên lựa chọn những mô hình, dự án phù hợp với vùng, miền để phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đang quản lý gần 64 tỷ đồng cho trên 3.200 lượt hộ vay ở 702 dự án về trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề đem lại hiệu quả cao. Trong quý 1 năm 2024, các cấp Hội nông dân tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân cho 11 dự án, với nguồn quỹ hơn 6,7 tỷ đồng cho 30 hộ vay vốn để đầu tư các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh.
Ông Mai Đức Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngoài nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh, trung ương. Đối với quỹ hội Nông dân huyện Hà Trung hiện có hơn 1,2 tỷ đồng do huyện vận động và hội quản lý. Trong thời gian qua, Hội nông dân huyện ưu tiên, lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế mới, hiệu quả đặc biệt nuôi ốc nhồi, trồng nấm, gà đẻ trứng, cá thương phẩm. Khi tiếp cận các nguồn vốn, đầu tư cho các mô hình được vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân đã phát huy tốt hiệu quả canh tác…Từ các mô hình nhân rộng thêm các hộ thành lập chuỗi liên kết, tổ hợp tác để phát triển trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Dung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quan Sơn, tinh Thanh Hóa cho biết, đối với địa bàn huyện Quan Sơn hiện mới có 140 triệu chia cho 7 hộ gia đình lũy kế trong nguồn vốn luân chuyển để phát triển kinh tế, áp dụng sản xuất. Năm nay, chúng tôi đang đề xuất với Hội nông dân tỉnh tăng nguồn quỹ để các hộ được hưởng thụ chương trình, áp dụng xoay vòng để đầu tư cho sản xuất.
Dù nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân không cao, bình quân mỗi hộ được vay ở mức từ 30 đến 50, cao nhất là 100 triệu đồng, song thời hạn cho vay từ 24 đến 36 tháng mới phải hoàn trả vốn nên các hội viên yên tâm đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trong thời gian tới, để giải quyết vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp hội nông dân trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình, dự án vay vốn; tập trung vốn cho các tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hóa, đem lại giá trị thu nhập cao.
Nguồn: Bản tin THNM/TTV