Nhận thấy nhu cầu thị trường và giá trị kinh tế của cây đu đủ đực lấy hoa, người dân một số huyện trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đưa loại cây này vào trồng, cho giá trị kinh tế cao.
Hoa đu đủ được chị Nguyễn Thị Ngọc, thôn Văn Ba, xã Đông Quang thu hái mỗi ngày.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngọc Lĩnh, xã Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) là đơn vị tiên phong trên địa bàn đưa cây đu đủ đực vào trồng trên diện tích 2 ha. Anh Nguyễn Văn Vương, giám đốc HTX, cho biết: “Từ kinh nghiệm thu mua dược liệu cung cấp cho các đại lý kinh doanh dược liệu lớn trong nước, tôi nhận thấy hoa đu đủ đực hiện đang được thị trường ưa chuộng vì có nhiều công dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. Vào thời điểm trên, 1kg hoa tươi có giá bán tại thị trường dao động trên dưới 100 nghìn đồng. Chính lợi ích chữa bệnh và hiệu quả kinh tế, cuối năm 2021, HTX đứng ra thuê lại 2 ha đất bỏ hoang của người dân, cải tạo đưa loại cây này vào trồng vào tháng 3 và tháng 4/2023”. Sau 4 tháng trồng và chăm sóc, cây đu đủ ra hoa, cho thu nhập. Hiện mỗi tháng, HTX thu hái được 3 lứa hoa. Mỗi lứa hoa cho năng suất bình quân được 1,5 tạ/ha. Hiện tại, mặc dù giá hoa đu đủ xuống thấp nên giá nhập cho các đại lý thu mua dược liệu chỉ còn 25.000 đồng/kg hoa tươi. Với giá nhập này, mỗi ha cây đu đủ đực sau khi trừ chi phí vẫn đem lại thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/năm.
Trước đây, trên diện tích 1 ha nhận thầu của xã, vợ chồng anh Lê Văn Thành và chị Nguyễn Thị Ngọc, thôn Văn Ba, xã Đông Quang (Đông Sơn) trồng ngô, khoai và các loại rau màu nên hiệu quả thu nhập không cao. Từ khi chuyển sang trồng cây đu đủ đực lấy hoa, mỗi tháng gia đình anh chị thu nhập gần 25 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng trước đó. Sau gần 3 tháng trồng, chăm sóc tốt, sử dụng phân bón hữu cơ được ủ hoai mục, cây đu đủ ra hoa mập và đẹp nên có thời điểm, anh chị bán được với giá bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thành phố lên đến 120.000 đồng/kg hoa tươi. Hiện nay, tuy giá bán xuống thấp, nhưng nếu bán lẻ vẫn có giá dao động khoảng 50 – 60.000 đồng/kg.
Anh Thành cho biết, ngoài bán hoa đu đủ tươi, anh đang hướng đến chế biến thành bột hoa đu đủ. Bột hoa đu đủ vẫn giữ nguyên được màu xanh và hương vị, đem hòa với mật ong hoặc thay trà làm nước uống rất tiện lợi. Mong muốn của anh Thành là xây dựng bột hoa đu đủ thành sản phẩm OCOP.
Nói về hiệu quả của việc trồng cây đu đủ đực lấy hoa, ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Tuy chưa thống kê chính thức về diện tích trồng cây đu đủ đực lấy hoa trên địa bàn tỉnh, song qua nắm bắt sơ bộ loại cây này phát triển ở nhiều địa phương, nhất là huyện miền núi Lang Chánh với diện tích khoảng 20 ha. Hiện 1 ha đu đủ sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận từ 120 – 150 triệu đồng/ha/năm, gấp nhiều lần so với bà con trồng ngô, sắn…
Nhận thấy, đây là mô hình phát triển sản xuất triển vọng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân nên Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với một số sở, ngành liên quan rà soát, lựa chọn mô hình phát triển cây đu đủ đực lấy hoa theo hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm. Điển hình nhất là mô hình HTX Nông nghiệp An toàn và Hữu cơ Lang Chánh, tại thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (Lang Chánh) hiện đang liên kết với một một số huyện miền núi để hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị. Từ mô hình liên kết đã góp phần giúp bà con có được đầu ra ổn định và thu nhập cao, khi tham gia trồng loại cây này.
Bài và ảnh: Minh Lý