Được thụ hưởng chính sách từ Dự án Khuyến nông quốc gia, hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Tân Thành (Thường Xuân) đã thực hiện thành công mô hình “chăn nuôi gà thịt lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Đồng thời, từng bước nhân rộng mô hình trong Nhân dân, trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy quá trình giảm nghèo bền vững của địa phương.
Mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Tân Thành (Thường Xuân) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tháng 3/2023, gia đình chị Ngân Thị Viên, thôn Thành Nàng được hỗ trợ 1.800 con gà giống từ Chương trình khuyến nông quốc gia. Đồng thời, được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thường Xuân phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn về quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học. Thông qua lớp tập huấn, chị Viên nắm được kỹ thuật chăn nuôi cũng như cách thức đầu tư xây dựng chuồng trại, chuẩn bị trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, đệm lót sinh học… nhờ đó, đàn gà được chăm sóc theo đúng quy trình, tỷ lệ sống đạt 97%, bảo đảm được quy định của dự án về trọng lượng, chất lượng gà. Chị Viên cho biết: “Được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi hiện đại nên gia đình đã chuẩn bị được khu chuồng trại và vật tư chăn nuôi bảo đảm quy định. Nhờ đó, đàn gà có sức đề kháng tốt, nâng cao tỷ lệ nuôi sống. Hơn nữa, việc áp dụng đệm lót sinh học giúp người chăn nuôi giảm được công lao động trong khâu dọn chuồng trại, nâng hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20% so với chăn nuôi truyền thống, công nghiệp”.
Từ nguồn hỗ trợ của Dự án Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã triển khai mô hình “Chăn nuôi gà thịt lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại xã Tân Thành. Sau các bước chuẩn bị, tháng 3/2023, dự án hỗ trợ 9.000 con gà giống MD3.BD cho 5 hộ dân trên địa bàn xã. Ngay từ những ngày đầu tham gia mô hình các hộ được tham gia lớp tập huấn về quy trình chăn nuôi an toàn… Cùng với đó, dự án cam kết có trách nhiệm đấu mối với các đơn vị kinh doanh để tiêu thụ toàn bộ sản lượng gà cho các hộ chăn nuôi. Sự chặt chẽ, khoa học của dự án đã trở thành động lực để các hộ dân trên địa bàn thực hiện và phát huy nguồn vốn hỗ trợ, vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế.
Sau hơn 3 tháng đưa vào nuôi và chăm sóc theo kỹ thuật đã được chuyển giao, tỷ lệ nuôi sống của đàn gà đạt trên 97,5%, trọng lượng trung bình toàn đàn đạt trên 2,2kg/con, tổng khối lượng gà từ mô hình đạt gần 20 tấn, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. Trừ chi phí, mỗi hộ chăn nuôi có lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/hộ. Theo ghi nhận của các hộ, có được kết quả trên là do giống gà này bảo đảm chất lượng với độ đồng đều cao, khỏe con, nuôi nhanh lớn và sức đề kháng tốt nên ít bệnh, đồng thời lại được chăm sóc nuôi dưỡng đúng kỹ thuật, nhất là được phòng bệnh đầy đủ bằng vắc-xin cũng như việc đảm bảo an toàn sinh học trong suốt quá trình nuôi. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, Nguyễn Hữu Hòa, cho biết: Thời gian trước, lĩnh vực chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng tại địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi được thụ hưởng dự án từ Chương trình khuyến nông quốc gia và tiếp cận với kỹ thuật sản xuất hiện đại, người dân địa phương được nâng cao trình độ, thay đổi phương thức sản xuất. Việc chăn nuôi theo mô hình sẽ giúp cho nghề chăn nuôi của xã phát triển bền vững, hiệu quả hơn.
Sau thành công của mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm, không chỉ 5 hộ dân được thụ hưởng dự án tiếp tục tái đàn mà đến nay, hàng chục hộ dân khác trên địa bàn xã cũng đưa gà lông màu vào chăn nuôi quy mô đàn từ 500 đến 2.000 con/hộ. Thông qua sự hỗ trợ, định hướng từ ban đầu của dự án, các hộ nuôi gà lông màu trên địa bàn xã Tân Thành đã liên kết với nhau thành lập tổ hợp tác chăn nuôi làm cơ sở trao đổi thông tin về kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng bệnh cho đàn gà. Đồng thời, liên kết với nhau cùng mua vật tư sản xuất, đấu mối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sản xuất khoa học, bền vững, mô hình chăn nuôi gà lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm đã trở thành động lực, nền tảng để người dân địa phương phát triển chăn nuôi bền vững gắn với xu hướng của thị trường và từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để sản xuất quy mô hàng hóa.
Bài và ảnh: Lê Hòa