Những năm qua, các ngành có liên quan của tỉnh cùng với các địa phương đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho người dân.
Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, ông Hà Thịnh Hưng, xã Nga An (Nga Sơn) đầu tư xây dựng nhà màng trồng nho sữa.
Để khuyến khích các hộ nông dân và doanh nghiệp, HTX tham gia phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, huyện Nga Sơn đã ban hành các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, như: Hỗ trợ giống lúa thuần có liên kết với mức 4 triệu đồng/ha, quy mô tối thiểu 15 ha/vùng; hỗ trợ xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, củ, quả an toàn với mức 93 triệu đồng/1.000m2… Nhờ đó, đến nay huyện Nga Sơn đã phát triển được 35 ha nhà màng, nhà lưới chuyên sản xuất rau, dưa vàng, dưa lưới, hoa an toàn, công nghệ cao, thông minh. Các mô hình được các hộ dân đầu tư lắp đặt hệ thống điều khiển tưới tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, đóng mở mái che bán tự động… cho doanh thu từ 2,5 – 3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình từ 300 – 700 triệu đồng/ha/năm. Ông Hà Thịnh Hưng, người dân xã Nga An cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, cùng với mức hỗ trợ 70 triệu đồng/1.000m2, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng 4.000m2 nhà màng để sản xuất dưa vàng. Hiện gia đình đang sản xuất với công thức luân canh 3 vụ dưa vàng/năm áp dụng công nghệ cao. Toàn bộ diện tích nhà màng được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, thông qua ứng dụng điều khiển tự động bằng điện thoại thông minh. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, mỗi vụ dưa cho năng suất 3 tấn dưa thương phẩm/1.000m2. Với diện tích 4.000m2 mỗi năm đạt năng suất gần 50 tấn, trừ chi phí cho lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Ngoài trồng dưa vàng, gia đình đầu tư trồng thử nghiệm 500m2 nho sữa đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Để nâng cao năng lực phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, năm 2023 Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được 301 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các cấp hội đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức và chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho 38.215 lượt hội viên, nông dân tham gia. Các cấp hội đã hướng dẫn các hội viên thành lập được 49 HTX và 244 tổ hợp tác liên kết sản xuất trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân 60 tỷ đồng và nguồn vốn tín chấp và ủy thác với 3 ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt) là 15.531 tỷ đồng đã hỗ trợ cho hàng trăm nghìn hộ nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ nguồn vốn đó, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn và chứng nhận theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt cho hơn 20 sản phẩm nông sản, như: mía tím xã Thành Trực và ổi lê xã Thành Tân (Thạch Thành); sản phẩm trứng gà của HTX xã Quảng Thành (TP Thanh Hóa); chăn nuôi gà siêu trứng tại xã Hà Châu (Hà Trung); mận Tam Hoa ở xã Pù Nhi (Mường Lát); các sản phẩm lúa J02, J03, lúa thảo dược, lúa nếp hương, ST25 của các huyện Thiệu Hóa, Hậu Lộc; sản phẩm mít Thái, bưởi da xanh, bưởi Tân Lạc của HTX cây ăn quả xã Yên Mỹ (Nông Cống) và HTX kinh doanh, sản xuất nông sản an toàn Đông Sơn 26; sản phẩm gà thương phẩm xã Yên Lâm (Yên Định); hỗ trợ tem truy suất, thiết kế tem, nhãn mác, bao bì cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm, chế biến…
Trong giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp của tỉnh xác định 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó, có 6 sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, gồm: gạo; thịt và trứng gia cầm; thịt lợn; rau, quả; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; tôm. 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gồm: sản phẩm hải sản khai thác xa bờ; ngao và các sản phẩm nuôi biển; mía đường; trâu thịt, bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa bò; tre, luồng, vầu và các sản phẩm từ tre, luồng, vầu; cây ngô. Thông qua thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ phát triển, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ. Các ngành có liên quan và địa phương triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả, góp phần tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô lớn, tập trung, khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất. Điển hình như: Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm tại các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống… hiệu quả kinh tế tăng từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất thông thường và lợi nhuận cao hơn từ 30 đến 50 triệu đồng/ha; mô hình tích tụ đất để trồng cây ăn quả có múi tại các huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân… cho doanh thu 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha; nuôi tôm thẻ chân trắng nước lợ trong bể xi măng, trong nhà màng, nhà lưới, sử dụng công nghệ thâm canh, siêu thâm canh theo hướng công nghệ cao tại các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn cho năng suất bình quân 32 tấn/ha/vụ, lợi nhuận 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/vụ. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của ngân sách Nhà nước, trên địa bàn tỉnh cũng đã huy động được các doanh nghiệp, HTX, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao.
Bài và ảnh: Hải Đăng