Với địa hình giáp biển, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) có tổng diện tích đất nông nghiệp 418,3 ha, trong đó có 89,2 ha làm muối tại thôn Tam Hòa. Thực tế, có những năm thời tiết thuận lợi nhưng nghề làm muối vẫn thu nhập thấp. Nhiều năm do bất lợi về thời tiết, đời sống diêm dân trong xã càng khó khăn hơn. Chủ động khắc phục bất lợi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các năm vừa qua, xã Hòa Lộc đã tập trung chuyển đổi diện tích sản xuất muối sang phát triển thủy sản. Toàn xã đã chuyển đổi được hơn 10 ha đồng làm muối cho thu nhập thấp sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao và các đối tượng thủy sản khác.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của gia đình ông Trần Văn Tuấn (xã Hòa Lộc) cho hiệu quả kinh tế cao.
Cùng chúng tôi đi thăm một số mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc Trịnh Xuân Hán, chia sẻ: Các tháng đầu năm 2023, xã Hòa Lộc tiếp tục chỉ đạo người dân tích tụ ruộng đất, chuyển một số diện tích đất sản xuất muối kém hiệu quả và vùng ven đê nhiễm mặn sang mô hình trang trại tổng hộ như lúa-cá, mở rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao… Toàn xã đã tích tụ được 19,7 ha. Đối với diện tích chưa đủ điều kiện nuôi công nghiệp, các hộ đã nuôi xen canh hoặc luân canh đa thời vụ các đối tượng như tôm rảo, cua, cá… Đến tháng 8-2023, xã Hòa Lộc đã chuyển đổi được 85 ha sản xuất lúa kém hiệu quả và đồng làm muối cho thu nhập thấp sang nuôi tôm thẻ chân trắng và các đối tượng khác như tôm sú, cá mú,… nâng tổng diện tích nuôi thủy sản toàn xã lên hơn 147 ha. Trong đó, gần 20 ha nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, diện tích còn lại nuôi bán thâm canh.
Hiện nay, xã Hòa Lộc có 317 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản. Hàng chục hộ gia đình trong xã như các ông Trịnh Văn Doanh, Trịnh Văn Thành, Đỗ Văn Hải, Đỗ Văn Ngữ, Trần Văn Tuấn,… có kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống cống, cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật, mua con giống đảm bảo chất lượng đã làm giàu từ nghề nuôi thủy sản. Điển hình như ông Trịnh Văn Doanh, chủ ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại thôn Nam Tiến (xã Hòa Lộc) nhận thầu của xã gần 1,5 ha đồng lúa một vụ kém hiệu quả và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ao nuôi tôm thẻ chân trắng 3 vụ/năm. Gia đình ông tổ chức nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới. Theo kinh nghiệm của ông Doanh: nuôi tôm thẻ chân trắng có nhiều cái lợi, đó là thời gian nuôi ngắn (khoảng 80 – 90 ngày) cho thu hoạch tôm thương phẩm. So với tôm sú, tôm thẻ chân trắng dễ nuôi do chịu được môi trường thay đổi, thích nghi với độ mặn, chịu được nhiệt độ thấp, tôm phàm ăn, cho năng suất cao. Do chi phí sản xuất thấp nên giá thành tôm thẻ chân trắng thương phẩm thấp, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Để nuôi tôm thẻ chân trắng thành công cần nguồn vốn lớn đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; chọn mua được con giống sạch bệnh; quản lý tốt môi trường nuôi để không xảy ra dịch bệnh và có cơ sở tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Kết quả nổi bật là 100% diện tích nuôi nước lợ của xã Hòa Lộc đã được nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, luân canh, xen canh các đối tượng thủy sản khác, trong đó tôm sú, tôm thẻ chân trắng là đối tượng chính. Riêng năm 2022, giá trị nuôi trồng thủy sản của xã Hòa Lộc đạt 68 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2021.
Năm 2023, huyện Hậu Lộc đưa 1.855 ha vào nuôi trồng thủy sản, trong đó: nước mặn 570 ha, nước lợ 550 ha, nước ngọt 735 ha. Đến nay, huyện có 65 ha nuôi công nghệ cao. Các tháng đầu năm 2023, huyện Hậu Lộc tiếp tục chỉ đạo tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất thủy sản theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao với diện tích 37 ha, ở các xã: Đa Lộc, Hòa Lộc, Phú Lộc, Hải Lộc, Quang Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc, Xuân Lộc,… Dịch chuyển 20 ha nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh sang quảng canh cải tiến; đưa một số mô hình từ quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi công nghệ cao, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt, nhà màng tại một số xã. Kêu gọi đơn vị, cá nhân đầu tư vùng nuôi thủy sản tập trung với diện tích trên 300 ha tại 2 xã Đa Lộc và Xuân Lộc… Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023 sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện Hậu Lộc ước đạt 5.446 tấn.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc Trịnh Cao Sơn, cho biết: Hậu Lộc có lợi thế cả nuôi thủy sản nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Những năm vừa qua, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng nuôi được quan tâm đầu tư, đã và đang phát huy hiệu quả. Một số mô hình nuôi công nghiệp, áp dụng quy trình thực hành nuôi VietGAP bảo đảm môi trường và an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người nuôi. Vùng nuôi ngao Bến Tre của huyện đang từng bước thực hiện các khâu kiểm soát để đủ điều kiện nằm trong chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ tại thị trường EU; đồng thời, xây dựng sản phẩm ngao Hậu Lộc trở thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cùng với việc vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, huyện đã ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành thủy sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản tập trung; nghiên cứu và nhân rộng công nghệ sinh sản đối với giống cua, ngao, tôm sú; phát triển vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã vùng triều nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, quan tâm phát triển đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng; chuyển hàng trăm ha đất trồng lúa sâu trũng và đất sản xuất muối kém hiệu quả, vùng ven đê nhiễm mặn sang sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp.
Trước mắt, năm 2023 huyện thực hiện mục tiêu tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng trên 48.000 tấn thủy sản trở lên, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản trên 13.200 tấn. UBND huyện và các xã đã và đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn chủ đồng kỹ thuật cải tạo ao, đầm; quy trình chăm sóc; mật độ thả giống… Xây dựng các mô hình trình diễn và chuyển giao khoa học – kỹ thuật nuôi các đối tượng thủy sản mới. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát nguồn giống, góp phần để ngành nuôi trồng thủy sản của huyện phát triển hiệu quả, bền vững theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao.
Bài và ảnh: Thu Hòa