Minh Lộc là một trong các xã có số trang trại chăn nuôi lớn của huyện Hậu Lộc. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, huyện Hậu Lộc đã chỉ đạo xã Minh Lộc tuyên truyền, vận động các hộ dân đầu tư vốn phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cả về quy mô và số lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Vũ Văn Khánh ở xã Minh Lộc.
Kết quả đến nay, xã Minh Lộc đã có 56 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, hình thành 4 cụm trang trại gia cầm, 2 cụm trang trại nuôi lợn. Tiêu biểu như trang trại nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Văn Tơm, thôn Minh Hải có quy mô 49.000 con/lứa; trang trại nuôi lợn thịt của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Minh Thành, quy mô 1.000 con/lứa. Hiện nay các trang trại trên địa bàn xã đã áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi, với hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động, chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Nhiều trang trại tại xã Minh Lộc cho hiệu quả kinh tế khá cao, đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Các trang trại hoạt động hiệu quả, bền vững đã tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Các năm vừa qua, huyện Hậu Lộc đã chủ động phát triển các khu, cụm trang trại để thu hút đầu tư phát triển trang trại tập trung, theo hướng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị. Huyện Hậu Lộc đã tuyên truyền sâu rộng để Nhân dân nhận thức được chính sách của tỉnh, của huyện về phát triển kinh tế trang trại. Nâng cao chất lượng các chương trình tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi… Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về quy hoạch đất, vốn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi, góp phần nâng cao, đa dạng hóa sản phẩm và vật nuôi. Tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản liên doanh, liên kết, ký hợp đồng cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm với chủ trang trại. Khuyến khích chuyển nhượng, tích tụ, tập trung đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả phù hợp với quy hoạch sang các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng công nghệ cao và công nghệ cao.
Hiện nay, ngành chăn nuôi của huyện Hậu Lộc đã phát triển toàn diện, sản xuất theo xu hướng thâm canh, dần hình thành các trang trại quy mô lớn theo hướng công nghệ cao. Nhiều xã trên địa bàn huyện như Phú Lộc, Minh Lộc, Hòa Lộc, Đa Lộc, Phong Lộc, Tuy Lộc, Liên Lộc, Hưng Lộc, Thành Lộc, Lộc Sơn, thị trấn Hậu Lộc,… đã tích tụ ruộng đất, chuyển đổi đất 2 vụ lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, huyện Hậu Lộc đã thực hiện tích tụ, chuyển đổi được hơn 6 ha đất kém hiệu quả sang các mô hình trang trại chăn nuôi. Nhiều hộ dân đã chủ động đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trang trại theo hướng hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập.
Đến tháng 9-2023, huyện Hậu Lộc duy trì và phát triển trên 292 trang trại chăn nuôi chuyên biệt, trong đó có 111 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó có 94 trang trại chăn nuôi gia cầm và lợn chăn nuôi theo hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm chủ lực đối với trang trại chăn nuôi là lợn thịt, gà thịt, vịt thịt và trứng gia cầm. 181 trang trại chăn nuôi còn lại có quy mô nhỏ. Hơn 8 tháng năm 2023, ngành chăn nuôi của huyện phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn phát sinh trên đàn vật nuôi. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện là 5.027 con; đàn lợn 30.829 con, trong đó đàn lợn được nuôi tại trang trại theo phương thức công nghiệp chiếm trên 50%; đàn gia cầm 1.371 nghìn con (50% tổng đàn được nuôi trang trại công nghiệp). Nhìn chung, các mô hình trang trại sau khi chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 10 lần so với trồng lúa.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc Trịnh Cao Sơn, cho biết: Để đạt mục tiêu đến năm 2025 huyện Hậu Lộc có tổng đàn trâu, bò 7.102 con, tổng đàn lợn 35.000 con, đàn gia cầm trên 1,35 triệu con; thịt hơi các loại 22.500 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 22,683 triệu quả,… huyện tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang mô hình trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao và công nghệ cao phù hợp với quy hoạch tái cơ cấu và tích tụ đất đai cũng như quy hoạch NTM. Mở rộng và nâng cao chất lượng các chương trình tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gắn với thực tiễn sản xuất, các quy trình chăn nuôi và biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, từng bước hình thành sản phẩm chăn nuôi an toàn. Khuyến khích chuyển nhượng, tích tụ, tập trung đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả phù hợp với quy hoạch sang các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng công nghệ cao và công nghệ cao theo chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các trang trại.
Bài và ảnh: Thu Hòa