Theo Sở Công Thương, thị trường hàng hóa tại Thanh Hóa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 diễn ra ổn định, không có tình trạng khan hiếm hay tăng giá đột biến. Nhờ công tác dự trữ hàng hóa từ sớm, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh khoảng 20.580 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các mặt hàng thiết yếu được siêu thị Go! Thanh Hoá cung ứng đầy đủ phục vụ người dân dịp Tết.
Giá cả hàng hóa trước và trong Tết
Sau ngày Tết ông Công, ông Táo (23/12 âm lịch), nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh, khi phần lớn người lao động đã bắt đầu kỳ nghỉ lễ. Qua khảo sát tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm, cũng như báo cáo nhanh từ các địa phương, tình hình tiêu thụ hàng hóa tăng từ 5 – 8% so với năm trước. Các siêu thị như Go!Thanh Hoá, Co.opmart và WinMart ghi nhận mức tăng lần lượt là 6%, 8% và 7%. Tuy nhiên, lượng hàng bán ra vẫn thấp hơn so với lượng hàng dự trữ, do các mặt hàng này là sản phẩm tiêu dùng thường xuyên nên không ảnh hưởng đến kinh doanh của các đơn vị.
Riêng mặt hàng hoa và cây cảnh, năm nay cung vượt cầu, dẫn đến tình trạng tồn đọng. Đến ngày 29 Tết, nhiều tiểu thương đã phải giảm giá bán để thu hồi vốn.
Tại các siêu thị và hệ thống cửa hàng Winmart+ giá luôn giữ ổn định trước và trong Tết, do các đơn vị đã thực hiện tốt công tác dự trữ, bình ổn giá với các nhà cung ứng, sản xuất. Tuy nhiên, tại các chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ, từ ngày 26 Tết đến 29 Tết, một số mặt hàng tăng giá nhẹ khoảng 3 – 5%, như: thịt lợn nạc, thịt bò loại 1, thịt gà, tôm cá tươi… do nhu cầu những ngày giáp Tết tăng cao, kéo theo đó giá giò nạc, giò bò cũng tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg tuỳ mặt hàng, tuỳ cơ sở. Tuy nhiên, tại các chợ những ngày giáp Tết giá rau xanh giảm mạnh từ 25 – 40% do các loại rau màu đến thời điểm thu hoạch, đồng thời thời tiết trước Tết ấm, nồm nên rau, củ phát triển nhanh.
Trong Tết (từ mùng 1 đến mùng 3), giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định và giữ nguyên so với thời điểm trước Tết, chỉ có một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng khoảng 10 – 20% so với giá trước Tết như: thịt lợn nạc thăn từ 130.000 lên 150.000 đồng/kg, thịt bò loại 1 từ 260.000 lên 300.000 đồng/kg, thịt gà 120.000 đồng/kg… Giá dịch vụ ăn uống tăng gấp 1,5 – 2 lần so với trước Tết do chỉ có ít cơ sở kinh doanh ăn uống mở cửa bán hàng. Tuy nhiên, việc tăng giá được người tiêu dùng chấp nhận và xem như quy luật hằng năm.
Thị trường sau Tết: Kinh doanh trở lại bình thường
Từ mùng 4 Tết (1/2/2025), phần lớn các cơ sở kinh doanh tại Thanh Hóa đã mở cửa trở lại. Các hệ thống bán lẻ lớn như Go, CoopMart, The City, WinMart, MediaMart… đã chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Người dân mua sắm trở lại sau dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, thị trường sau Tết dự kiến sẽ ít sôi động hơn, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống và đồ cúng lễ đầu năm. Các mặt hàng bao gói sẵn như bánh kẹo, đồ uống và thực phẩm chế biến sẵn duy trì giá ổn định, không có biến động lớn. Rau củ quả tiếp tục giữ giá ổn định so với mùng 1 và mùng 2 Tết, nhưng đã giảm đáng kể so với trước Tết. Chỉ có một số mặt hàng tăng nhẹ gồm: cá trắm, thịt bò, hải sản… và một số mặt hàng thiết yếu trước ngày Rằm tháng Giêng, sau đó sẽ trở lại bình thường.
Nhìn chung, thị trường hàng hóa tại Thanh Hóa xuyên suốt dịp Tết Nguyên đán 2025 diễn ra ổn định, không có tình trạng sốt giá hay khan hiếm hàng hóa. Công tác điều tiết thị trường được thực hiện tốt, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết và những ngày đầu năm mới.
Chi Phạm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tinh-hinh-cung-cau-dip-nbsp-tet-nguyen-dan-hang-hoa-phong-phu-gia-ca-on-dinh-238457.htm