Quá trình sản xuất nông nghiệp cho thấy, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao lợi ích của các bên liên quan, nhất là người nông dân. Tuy nhiên, bài toán làm thế nào để liên kết bền vững và hạn chế những rủi ro trong các hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm đang được các cấp, ngành, địa phương và chủ thể sản xuất nỗ lực tìm lời giải.
Người dân xã Phú Lộc (Hậu Lộc) chăm sóc diện tích cây ngô ngọt liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong vụ đông 2023.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 1.300 doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và hằng năm thu hút từ 20 – 30 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp thông qua các hợp đồng kinh tế. Theo đó, mỗi năm có khoảng hơn 80.000 ha cây trồng được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp được liên kết, tiêu thụ đạt 36,3%. Tuy việc triển khai thực hiện liên kết sản xuất thông qua các hợp đồng kinh tế đã mang lại hiệu quả cao hơn 20 – 25% so với sản xuất, tiêu thụ tự do, truyền thống. Việc liên kết các chuỗi giá trị giúp nông dân sản xuất theo định hướng thị trường, tránh sản xuất tự phát, giảm rủi ro trong sản xuất. Đồng thời, khuyến khích thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Song không phải địa phương nào cũng thực sự suôn sẻ, yên tâm khi có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) là một trong những vựa sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh. Các sản phẩm rau quả an toàn của địa phương đã cung cấp cho một số bếp ăn tập thể, siêu thị, trường học trên địa bàn tỉnh. Đánh dấu thành công trong việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm tại HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hoằng Hợp chính là việc ký được hợp đồng cung ứng, bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả an toàn với Siêu thị Co.opMart vào năm 2019. Tuy nhiên “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, từ năm 2020 đến nay, siêu thị đã chủ động hủy hợp đồng và ngừng thu mua rau, quả của HTX không rõ nguyên nhân. Ông Tào Ngọc Hải, Giám đốc HTX cho biết: Khi hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm bị dừng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX bị gián đoạn, ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất của người dân. Đồng thời, đẩy HTX và người sản xuất rơi vào tình thế bị động, nguy cơ bị ùn ứ nông sản nếu không có giải pháp kịp thời. Trước tình trạng đó, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hoằng Hợp đã điều chỉnh lại diện tích sản xuất, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và tích cực tìm kiếm những chuỗi liên kết mới nhằm tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người dân.
Cũng là một trong những điển hình về liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) luôn làm tốt vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ông Hoàng Văn Toàn, Giám đốc HTX cho biết: Hơn 10 năm triển khai thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân, HTX luôn duy trì được chuỗi liên kết bền vững, hiệu quả. Để hạn chế rủi ro trong các hợp đồng, trước tiên HTX phải tìm được đơn vị liên kết uy tín, sản phẩm liên kết phải phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ sản xuất của người dân địa phương.
Được biết, hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc luôn duy trì khoảng 200 ha cây trồng liên kết sản xuất/năm và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, nâng giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 97 vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn; người dân đã và đang dần chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” và ngày càng nhiều các hợp đồng liên kết sản xuất bao tiêu nông sản được hình thành, phát triển bền vững. Tuy nhiên, phân tích của ngành chuyên môn cho thấy, rủi ro trong các hợp đồng liên kết không chỉ từ phía doanh nghiệp mà trong nhiều trường hợp phần lớn lỗi là ở nông dân. Đã có không ít trường hợp nông dân tự ý bán sản phẩm ra ngoài, mặc dù đã ký kết với doanh nghiệp. Nhiều trường hợp đến vụ thu hoạch, người dân “găm hàng” chờ giá, hoặc thấy giá thị trường cao hơn thì bỏ doanh nghiệp, bán cho thương lái… Tình trạng này nếu không được khắc phục triệt để sẽ là tiền lệ xấu, gây hậu quả không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp và cả vấn đề trật tự an toàn xã hội.
Tại hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 98 về liên kết, hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định, đằng sau mỗi hợp đồng liên kết không chỉ là trách nhiệm của 2 hay 3 bên cùng tham gia mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Theo đó, để hạn chế những rủi ro trong các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, ngành nông nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu, bảo vệ được lợi ích cả người dân và doanh nghiệp, cũng như khâu trung gian liên kết. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động đưa nông dân vào tổ chức hội để bảo vệ quyền lợi, nâng cao năng lực sản xuất. Cùng với đó, các địa phương, HTX, tổ hợp tác luôn phải nêu cao tính cẩn trọng khi lựa chọn doanh nghiệp uy tín để thực hiện liên kết…
Bài và ảnh: Thanh Hòa