Người tiên phong vận động đồng bào Mông xóa bỏ hủ tục trong tang ma
Chia sẻ về hành trình tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ hủ tục tang ma trong đồng bào Mông, đại biểu Lầu Minh Pó, người có uy tín ở bản Pù Toong, xã Phù Nhi (Mường Lát) bộc bạch: “Bản thân là người Mông, được học tập, thấy sự tiến bộ, văn minh của đồng bào các dân tộc khác, tôi đã rất trăn trở và đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao người Mông khi chết rồi lại không đưa vào quan tài ngay như các dân tộc khác để đảm bảo vệ sinh? Mổ nhiều trâu bò làm gì, người chết có ăn được không?”.
Đại biểu Lầu Minh Pó. (Ảnh: Minh Hiếu)
Sau đó, ông Pó tìm hiểu và được biết, xưa kia đồng bào Mông khi có người chết vẫn đưa vào quan tài như các dân tộc khác. Việc không đưa người chết vào quan tài ngay không phải là phong tục tập quán truyền thống, mà do hoàn cảnh khó khăn đưa đẩy, dần dần trở thành thói quen.
Từ đó, ông Pó quyết tâm thuyết phục, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ. Đồng thời ông đã nêu gương, tổ chức đám tang theo nếp sống mới trong gia đình mình trước.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, một số anh em trong dòng họ và ngay trong gia đình đã chỉ trích, phê phán, không đồng tình ủng hộ đám tang theo nếp sống mới. “Người ta nói, ông Pó sẽ thường xuyên ốm đau, ông Pó sẽ không phát triển nữa… Nhưng tôi đã quyết tâm thực hiện bằng được”, ông Pó chia sẻ tại hội nghị.
Theo ông, đó là một cuộc cách mạng làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm phù hợp với xu thế phát triển, tiến bộ của xã hội mà bao lớp trẻ đồng bào Mông đang mong muốn mà chưa ai dám đột phá, vượt qua. Việc đưa người chết vào quan tài phải thực hiện đồng bộ ở những dòng họ khác trong đồng bào dân tộc Mông.
Trong lúc đó, Quyết định số 2181/QĐ-UBND ngày 25/6/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” là cơ sở pháp lý để xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong tang lễ, thực hiện nếp sống văn hóa mới. Đó là động lực lớn lao đối với ông trên hành trình tuyên truyền, vận động đồng bào.
Tự thấy trách nhiệm và bằng sự nỗ lực, cố gắng ông Pó đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và người uy tín, trưởng các dòng họ tổ chức tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng Mông bằng nhiều hình thức khác nhau, gắn với việc thực hiện quy ước thôn, bản và xây dựng bản văn hóa, bản nông thôn mới với thái độ kiên trì, quyết liệt.
Bằng trách nhiệm, uy tín của bản thân, ông Pó không những tuyên truyền, vận động đồng bào Mông trong xã Pù Nhi, trong huyện Mường Lát mà còn tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào Mông ở các huyện Quan Hóa, Quan Sơn thực hiện nếp sống văn hoá trong tang lễ.
Ông vui mừng cho biết, đến nay 100% đám tang ở vùng đồng bào Mông, người chết được đưa vào quan tài và không bắn súng thông báo khi có người chết như trước nữa. 100% bản Mông đã đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước. Các đám tang thực hiện việc chôn cất trong 48 giờ. Tình trạng giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang đã giảm đáng kể, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị ở khu vực biên giới.
Phát huy vai trò của người có uy tín trong bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian
Đại biểu Cao Bằng Nghĩa, người có uy tín tại khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) đã chia sẻ về hành trình tìm hiểu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian.
Đại biểu Cao Bằng Nghĩa. (Ảnh: Minh Hiếu)
Đại biểu Nghĩa cho biết, ông may mắn được sinh ra trong gia đình có bề dày truyền thống về văn hóa dân gian. Tuổi trẻ ông đã từng đau đáu lời dạy của bố về trách nhiệm của bản thân trước thực trạng nhiều giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một. Sau đó ông đã quyết tâm học bằng được các tri thức bản địa như chữ viết, nhạc cụ, dân ca dân tộc Thái… Trải qua nhiều vị trí công tác như, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy…, ông Nghĩa đã có nhiều đóng góp tích cực trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian.
Từ năm 2022, được giao làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân, ông Nghĩa đã vận động các thành viên và Nhân dân bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Theo đó, ông đã bàn bạc, thống nhất trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ, tổ chức truyền dạy các kiến thức văn hóa dân gian. Trong buổi sinh hoạt tháng, ngoài điểm lại các nội dung phương hướng, nhiệm vụ tháng trước đề ra, ban chủ nhiệm đã kiểm tra bài học về kiến thức văn hóa dân gian. Ai thuộc nhiều nhất thì ban chủ nhiệm thưởng quà. Quà này do vận động xã hội hóa. Điều đáng nói nữa là mỗi thành viên được phát tài liệu, về nhà sẽ in thêm để các thành viên trong gia đình cùng học.
Đầu năm 2023, được sự đồng ý của Chi ủy chi bộ, ông Nghĩa đã mở lớp dạy chữ viết Thái cho các thành viên câu lạc bộ, lớp dạy sáo trúc, lớp dạy đan lát cho học sinh trong dịp nghỉ hè. “Tuy nhiên, khi công việc đang tiến hành thuận lợi thì vợ tôi ốm nặng, nên đành gác lại. Khi vợ khỏi bệnh, tôi lại tiếp tục truyền dạy cho mọi người”, đại biểu Cao Bằng Nghĩa chia sẻ.
Ngoài ra, trong thời gian qua, đại biểu Cao Bằng Nghĩa đã tham gia nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian tại khu vực miền núi, như truyền thụ nhạc cụ Khèn bè cho 40 học viên ở huyện Quan Sơn, tham gia các lớp dạy chữ viết dân tộc Thái…
“Tôi mong muốn, cấp ủy và chính quyền các xã, thị trấn, quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân, làm động lực mạnh mẽ để động viên họ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững”, ông Nghĩa bày tỏ.
Gương sáng trong hoạt động khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số
Mở đầu câu chuyện của mình tại buổi giao lưu, Thầy thuốc ưu tú Trương Thị Mầu (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước), cho biết: “Bản thân tôi luôn xác định mục tiêu học để phục vụ quê hương, chính vì vậy sau 6 năm học tập tại trường y Thái Bình, năm 1983 tôi chính thức nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa khoa huyện Bá Thước. Thời kỳ đó sau chiến tranh, nhận công tác xong tôi được phân công về bệnh viện tỉnh để học phẫu thuật viên khoa ngoại, phẫu thuật viên sản. Đời sống xã hội lúc này còn rất nhiều khó khăn, có những lúc tôi tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng với sự động viên của gia đình, sự ủng hộ của anh em đồng nghiệp, tôi vẫn giữ vững tinh thần để phục vụ bà con các dân tộc trong huyện”.
Đại biểu Trương Thị Mầu.
Năm 1995, bà Trương Thị Mầu được đề bạt giữ chức Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bá Thước. Nhận thức tầm quan trọng của công tác tổ chức từ huyện đến xã và thôn, bà đã cùng với Ban Giám đốc xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo. Bản thân bà cũng là một tấm gương không ngừng học hỏi cả về chuyên môn và công tác quản lý.
Với những cố gắng, nỗ lực, năm 2010 bà Trương Thị Mầu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và cử đi dự Hội nghị thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII. Năm 2011, bà được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Sau khi nghỉ hưu, xét thấy bản thân vẫn còn sức khỏe, với đam mê nghề nghiệp, cùng với sự giúp đỡ từ đồng nghiệp và gia đình, bà đã thành lập Phòng khám Đa khoa Lương Điền tại thôn Muỗng Do, xã Điền Trung, huyện Bá Thước Thanh Hóa.
Bà Trương Thị Mầu xúc động cho biết: “Đến nay, người dân địa phương vẫn thường gọi phòng khám với cái tên thân thiện “phòng khám bà Mầu”. Nhiều bệnh nhân từng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước đến nay vẫn tin tưởng, yêu quý bà Mầu. Đó là niềm hạnh phúc nhất trong sự nghiệp và cuộc đời của tôi”.
Trước những yêu cầu to lớn của cuộc sống và thời hiện đại, bà mong muốn tiếp tục được tham gia công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Cùng với đó, giáo dục cho con cháu thế hệ sau biết học tập và lao động nghiêm túc, gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc mình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.
Được biết, ngoài là một bác sỹ tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, bà Trương Thị Mầu còn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, hội viên Hội Văn học Nghệ thuât các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Dân tộc học Bá Thước. Bà đã xuất bản 5 tập thơ, góp phần vào việc phát huy và bảo tồn văn hóa Mường trong thời kỳ đổi mới.
Phát huy vai trò đại đoàn kết của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Giao lưu tại hội nghị, ông Bùi Công Bằng, Chủ tịch hội đồng giáo xứ Vân Lung, người có uy tín thôn Thành Minh, xã Thành Long (Thạch Thành), cho biết: “Là người con dân tộc Mường, là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, bản thân tôi luôn xác định rõ vị trí, vai trò của mình là cầu nối quan trọng, giữ mối đoàn kết giữa chính quyền với Hội đồng giáo xứ Vân Lung, giữa bà con giáo dân với người dân ngoại công giáo trên địa bàn xã”.
Ông Bùi Công Bằng. (Ảnh: Minh Hiếu)
Được biết, trên địa bàn xã Thành Long có 4 giáo họ lớn, với 4.410 giáo dân (chiếm 62%) số dân trên toàn xã, hầu hết là người dân tộc Mường. Những năm gần đây, Hội đồng giáo xứ Vân Lung luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, do đó hoạt động tôn giáo cũng như đời sống của bà con giáo dân trong giáo xứ được nâng lên rõ rệt, Nhân dân yên tâm sản xuất, sống tốt đời, đẹp đạo, phụng sự Tổ quốc.
Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng giáo xứ, ông Bùi Công Bằng cho biết, bản thân luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con giáo dân trong giáo xứ thực hiện tốt tín ngưỡng tôn giáo, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, động viên giáo dân luôn chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, sống tốt đời đẹp đạo. Đến nay, 100% hộ giáo dân trong xã đều ký cam kết và thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng mô hình “Xứ Đạo bình yên gia đình văn hoá”.
Khép lại câu chuyện của mình, ông Bùi Công Bằng đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học để duy trì tốt mô hình “Xứ Đạo bình yên gia đình văn hóa”. Trong đó, công tác vận động bà con giáo dân trước hết cần tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn trọng và tạo điều kiện cho giáo dân tham gia các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. Cùng với đó, phát huy mối đoàn kết giữa Hội đồng giáo xứ với cấp uỷ chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc tôn giáo trên địa bàn xã.
“Giữ vững các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng “Mô hình xứ đạo bình yên gia đình văn hoá” chính là cách để nhân rộng, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào”, ông Bằng khẳng định.
Người đồng bào dân tộc thiểu số chung tay xây nông thôn mới, đô thị văn minh
Chia sẻ tại Chương trình giao lưu, ông Lê Văn Quân, Bí thư Chi bộ, trưởng Ban công tác Mặt trận, người có uy tín thôn Minh Tiến, xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc chia sẻ: Thôn Minh Tiến hiện có 104 hộ dân với 469 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Mường chiếm 97%, 3% là các dân tộc khác.
Đại biểu Lê Văn Quân. (Ảnh: Minh Hiếu)
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, chính quyền, sự phấn đấu nỗ lực, đoàn kết thống nhất, sự đồng thuận trong Nhân dân, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước đã đi vào cuộc sống. Năm 2017, thôn Minh Tiến đã hoàn thành 14/14 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.
Bằng tâm huyết của mình, hàng năm cá nhân ông Lê Văn Quân cùng với Nhân dân và cán bộ thôn Minh Tiến đã không ngừng nỗ lực thực hiện các phong trào do huyện phát động như: Trồng hàng rào xanh, trồng cây xanh, ngày chủ nhật sạch; điện chiếu sáng, phát triển kinh tế gia trại, trang trại… Từ những kết quả đạt được, đến năm 2021 thôn Minh Tiến được Đảng, chính quyền các cấp tin tưởng và lựa chọn xây dưng thôn NTM kiểu mẫu.
Ngoài ra, ông Lê Văn Quân, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân về âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc – tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống…
Ông Lê Văn Quân khẳng định: “Vai trò của người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vân động Nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, là hết sức quan trọng, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, là hạt nhân quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần cùng với Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng thôn Minh Tiến trở thành vùng quê đáng sống”.
Tăng cường công tác đảm bảo an ninh vùng dân tộc thiểu số
Tại hội nghị, Trung tá Bùi Duy Lê, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Như xuân cho biết: Xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số là địa bàn trọng yếu, chiến lược quan trọng về an ninh, trật tự, thời gian qua, cùng với tập thể chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ trong đội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám dân, bám địa bàn, cùng ăn, cùng ở với dân, cùng chia sẻ với Nhân dân, chủ động nắm tình hình an ninh trật tự, từ đó, tham mưu cho lãnh đạo công an huyện và cấp ủy chính quyền các cấp đề ra chương trình, kế hoạch công tác đảm bảo an ninh trật tự cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bản thân Trung tá Bùi Duy Lê, thấm nhuần lời dậy của Bác về tư cách của người công an cách mệnh, nghe theo lời Bác trong công tác hàng ngày, ông đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Trung tá Bùi Duy Lê, Đội trưởng Đội an ninh, Công an Huyện Như Xuân. (Ảnh: Minh Hiếu)
Từ thực tiễn công tác, Trung tá Bùi Duy Lê đã rút ra bài học kinh nghiệm: Phải kiên định, kiên trì thực hiện chủ trương nhất quán của Ðảng và Nhà nước: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển; Chăm lo công tác dân tộc là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân; của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kịp thời chuyển tải chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào; tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững. Chú trọng củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào đối với Ðảng và Nhà nước.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; phát triển đảng viên, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, trong thời gian tới tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp đòi hỏi, tăng cường hơn nữa công tác tác đảm bảo an ninh vùng dân tộc thiểu số.