Xác định xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP là chương trình kinh tế quan trọng, những năm qua, huyện Cẩm Thủy đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ và chung tay xây dựng chương trình OCOP, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.
Các sản phẩm OCOP của huyện Cẩm Thủy được trưng bày giới thiệu, quảng bá tại nhiều hội chợ.
Một trong những hộ sản xuất tiên phong trong việc xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Cẩm Thủy là Nông trại Hồng Ecofarm, đã phát triển thành công sản phẩm Trà hoa hồng sấy lạnh Hồng Ecofarm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Chị Trần Thị Hồng, chủ cơ sở cho biết: “Hiện nay, chất lượng nông sản, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm, nhất là sản phẩm hữu cơ, các loại trà dưỡng nhan… Do vậy, từ năm 2018 vợ chồng tôi đã thuê một phần diện tích đất rộng 6.000m2 ở xã Cẩm Bình để xây dựng nông trại hoa hồng. Sau quá trình nghiên cứu, cũng như được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nông trại của gia đình tôi đã cho ra đời sản phẩm trà dưỡng nhan mang thương hiệu Hoa hồng sấy lạnh Hồng Ecofam”.
Được biết, mỗi năm trung bình Nông trại Hồng Ecofarm cung cấp ra thị trường khoảng 60kg đến 80kg trà, hàng nghìn chai nước hoa hồng, dầu massage tinh chất hoa hồng… Bên cạnh đó, tận dụng vườn hoa hồng nguyên liệu sẵn có, Nông trại hoa Hồng Ecofarm cũng đã mở hướng đi mới như làm du lịch trải nghiệm, vừa góp phần giới thiệu sản phẩm vừa thu hút người tiêu dùng, đồng thời góp phần quảng bá tiềm năng du lịch tại địa phương. Hiện nay, trừ chi phí sản xuất, nông trại thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Năm 2023, sản phẩm Trà hoa hồng sấy lạnh Hồng Ecofarm đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm của cơ sở được chứng minh về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, được quảng bá rộng rãi, tạo lợi thế để sản phẩm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh trên thị trường.
Được biết, đến nay, huyện Cẩm Thủy có 11 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng tăng quy mô với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân 15 – 20% so với trước khi được công nhận. Qua đó, bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy, khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế khu vực nông thôn, như các sản phẩm: Rượu nếp thơm Sơn Thành (thị trấn Phong Sơn); Bánh lá Hương Diệu Sơn (xã Cẩm Vân); Miến dong Thuận Tâm (xã Cẩm Liên); Mật ong hương rừng Đất Cẩm (xã Cẩm Ngọc); Cơm lam suối Ngọc (xã Cẩm Lương)… Để phát huy lợi thế sản phẩm trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Cẩm Thủy đã hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể làm hồ sơ thủ tục, tư vấn bao bì, tập huấn về quy trình sản xuất an toàn, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, huyện có mức thưởng 100 triệu đồng cho một sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 200 triệu đồng cho sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 300 triệu đồng cho sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Đa số các chủ thể có sản phẩm tham gia xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đều có nhiều kinh nghiệm sản xuất, nhiệt tình tham gia và đã cơ bản nắm được các nội dung cần triển khai thực hiện để tập trung hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ để đánh giá theo quy định.
Để tiếp tục hỗ trợ người dân thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Cẩm Thủy đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm mới; thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá sản phẩm cấp huyện, tỉnh. Đồng thời, tăng cường phối hợp các ban, ngành của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, kết nối cung – cầu bằng các hình thức, như: trưng bày sản phẩm OCOP tại các hội nghị; điểm du lịch cộng đồng; kết nối với các hệ thống thương mại điện tử… Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, đẩy nhanh tiến trình XDNTM tại các địa phương.
Bài và ảnh: Khánh Phương