Lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn các huyện miền núi đã và đang có những bước khởi sắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc.
Các mặt hàng nông sản của huyện Thường Xuân được quảng bá tại Hội chợ kết nối cung cầu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023.
Với sự ra đời của các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích khu vực miền núi thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Thời gian mở cửa kinh doanh tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích mua sắm linh hoạt, cả ngày chứ không theo giờ, theo phiên cố định như chợ truyền thống đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia hoạt động thương mại. Chị Nguyễn Thị Hải ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) chia sẻ: “Những năm gần đây, thu nhập, chất lượng đời sống của người dân có nhiều cải thiện, người dân, không chỉ quan tâm đến giá cả hàng hóa mà còn đặc biệt chú ý đến dịch vụ, chất lượng, xuất xứ của sản phẩm. Trước đây nếu phải mua sắm các mặt hàng công nghệ hiện đại, như: tivi, tủ lạnh, điện thoại, xe gắn máy… chúng tôi phải đi xuống tận thành phố nhưng hiện nay ở ngay thị trấn đã có đầy đủ các cửa hàng nhượng quyền, nhà phân phối cung cấp đầy đủ”.
Được biết, thời gian qua huyện Bá Thước đã quan tâm phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Đồng thời, mở rộng thị trường ở vùng sâu, vùng xa đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, tổ chức thu mua kịp thời nguồn hàng nông sản, bao tiêu sản phẩm theo hình thức hợp đồng giữa nhà sản xuất, đại lý và nông dân. Đồng thời, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực, thu hút đầu tư tạo bước đột phá thúc đẩy thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ở thị trấn Cành Nàng và các xã: Thiết Ống, Điền Lư, Lũng Niêm, Lương Trung… đều có hệ thống cửa hàng, siêu thị mini, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Huyện cũng đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường… Đến thời điểm này, huyện có hàng nghìn hộ kinh doanh, dịch vụ cá thể và 170 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ và nông, lâm, thủy sản. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hàng năm của huyện đạt gần 1.200 tỷ đồng.
Xác định phát triển thương mại, dịch vụ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động thương mại, dịch vụ. Đồng thời, tạo điều kiện cho các chủ thể kinh doanh thương mại liên kết tham gia trao đổi mua bán trên thị trường, định hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững. Hiện nay, ngoài hệ thống mạng lưới thương mại của Công ty CP Thương mại miền núi Thanh Hóa, hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ cũng phát triển mạnh mẽ. Khu vực miền núi Thanh Hóa hiện có hơn 100 chợ truyền thống và hàng nghìn cửa hàng tự chọn, bán lẻ. Hệ thống chợ được phân bổ đồng đều tại các xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán trao đổi hàng hóa của Nhân dân trên địa bàn. Khối lượng hàng hóa lưu thông qua hệ thống chợ ở khu vực miền núi chiếm từ 60% – 70% tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả tích cực, phát triển thương mại, dịch vụ miền núi vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Do chi phí đầu tư hạ tầng thương mại khu vực này còn cao nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia; nhiều người dân chưa quen với việc mua sắm tại các loại hình thương mại hiện đại vì tâm lý sợ hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích cao hơn so với tại chợ truyền thống; mức sống, thu nhập của phần lớn người dân khu vực miền núi còn nhiều khó khăn nên sức tiêu thụ hàng hóa còn thấp nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại tại địa bàn này…
Để hoạt động thương mại, dịch vụ khu vực miền núi phát triển ổn định, có tính bền vững, các địa phương cần ưu tiên phát triển hạ tầng thương mại phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội địa phương và thực tiễn nhu cầu mua sắm của người dân, tránh tình trạng quy hoạch hình thức, thiếu tính thực tiễn, dẫn đến sự lãng phí, kém hiệu quả. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới các hình thức thương mại hiện đại tại khu vực miền núi. Các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa vào kinh doanh các mặt hàng mang tính đặc thù, phù hợp với phân khúc thu nhập và thói quen tiêu dùng của người dân; bảo đảm chất lượng hàng hóa, giá cả bình ổn và có nhiều chương trình khuyến mại để thu hút người dân tham gia mua sắm. Cùng với đó, cần thực hiện liên kết, đưa các mặt hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp của người dân vào bán tại các loại hình thương mại hiện đại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm địa phương, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, mua bán hàng hóa của người dân trong vùng… Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách, hướng tới cuộc sống đủ đầy cho người dân vùng nông thôn, miền núi.
Bài và ảnh: Lương Khánh