Thời khắc chuyển giao năm 2024 bước sang năm mới 2025 là một dấu mốc quan trọng, với việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Cùng với TP Thanh Hóa, thực hiện Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương trong tỉnh cũng đã khẩn trương triển khai việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã chưa đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích, quy mô dân số để thành lập đơn vị hành chính mới. Sau sáp nhập, từ 1/1/2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ còn 26 đơn vị hành chính cấp huyện, 547 đơn vị hành chính cấp xã – giảm 1 huyện, giảm 11 đơn vị cấp xã.
Công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Đông Hải, TP Thanh Hóa giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Tố Phương
Không chỉ sáp nhập các đơn vị hành chính, những ngày này, Thanh Hóa cùng với cả nước đang khẩn trương xây dựng phương án thu gọn đầu mối các ban, sở, đơn vị theo chỉ đạo của Trung ương với phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, “vừa chạy vừa xếp hàng” cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở.
Theo định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 1/12/2024, sau sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số cơ quan, tối thiểu sẽ giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương, tăng 2 đảng ủy trực thuộc Trung ương; tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ; tối thiểu giảm 4 ủy ban của Quốc hội. Từ sự sắp xếp tổ chức bộ máy theo ngành dọc, ở cấp tỉnh các đầu mối tương ứng cũng được thu gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần khẳng định việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn hiện nay, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao nhất, sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm và cả sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên vì lợi ích chung.
“Gọn” nhằm làm “Tinh”, “Mạnh”, cho bộ máy thực sự “Hiệu lực”, “Hiệu năng”, “Hiệu quả”. Bởi, một bộ máy qua rất nhiều lần sắp xếp vẫn còn quá cồng kềnh, khiến cho ngân sách đang phải chịu gánh nặng chi lương. Một bộ máy còn quá nhiều tầng nấc trung gian, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, nhiều đầu mối, nhiều “cửa” khiến cho cơ chế xin – cho vẫn tồn tại, khiến cho những điểm nghẽn khó được tháo gỡ, khiến cho tệ lãng phí, tham nhũng, tiêu cực vẫn có cơ hội nảy sinh, đang là những lực cản kìm hãm sự phát triển, đi lên của đất nước.
Không thể chậm trễ hơn nữa! Dù đây là một công việc vô cùng khó khăn, với rất nhiều “bài toán” phải giải: đó là cơ chế, chính sách cho các cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trước tuổi do sắp xếp, là giải quyết tài sản công sau sáp nhập, giải thể các cơ quan, đơn vị, là đánh giá, tuyển chọn người thực sự có năng lực ở lại làm việc, tránh tình trạng chảy máu chất xám… Nhưng khó mấy, cũng “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Trong thông điệp gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện quyết tâm của người đứng đầu cùng lời nhắn nhủ: “Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…”.
Thanh Hóa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/gon-de-tinh-manh-233966.htm